Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán: Nguồn hàng dồi dào, không tăng giá đột biến
Ngày 24/1 (tức 30 Tết Nguyên đán), tại hệ thống chợ truyền thống đã diễn ra phiên chợ cuối cùng của năm Kỷ Hợi trước khi bước sang năm mới Canh Tý. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là thịt lợn không xảy ra tình trạng khan hàng tăng giá đột biến.
Thực phẩm, rau xanh giá tăng nhẹ
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, tại hệ thống chợ truyền thống ngày 30 Tết Nguyên đán Canh Tý, giá cả hầu hết các mặt hàng chỉ tăng nhẹ từ 5 - 15% so với thời điểm Tết ông Công, ông Táo, không có hiện tượng tăng đột biến.
Cụ thể, giá thịt lợn chỉ tăng 5 - 10% với mức giá phổ biến như: Mông sấn 150.000 - 160.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 160.000 - 170.000 đồng/kg (giá tương đương mức cuối tháng 12/2019, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 45.000 - 60.000 đồng/kg).
Một số mặt hàng khác như thịt gà, thịt bò giá tăng từ 5 - 15%, trong đó thịt bò thăn loại I từ 300.000 - 350.000 đồng/kg; gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg, gà đã qua giết mổ 170.000 - 180.000 đồng/kg; tôm sú (loại 26-30 con/kg) giá 500.000 - 600.000 đồng/kg.
Giá một số mặt hàng thực phẩm chế biến như giò, bánh chưng ổn định so với ngày thường, hiện giò lụa 150.000 - 180.000 đồng/kg, giò bò khoảng 280.000 - 300.000 đồng/kg, bánh chưng tùy vào kích cỡ, khối lượng dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc.
Tương tự, giá các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định so với ngày thường, hiện bia lon Hà Nội 220.000 - 240.000 đồng/thùng; bia lon Saigon 230.000 - 250.000 đồng/thùng; bia lon Heniken 380.000 - 400.000 đồng/thùng; Cocacola 190.000 - 200.000 đồng/thùng; Vodka Hà Nội 750ml giá từ 60.000 - 70.000đồng/chai; mứt Hữu Nghị giá từ 50.000 - 60.000đồng/hộp; hạt bí giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg.
Giá các loại hoa, trái cây phục vụ cúng lễ tăng từ 10 - 15%. Cụ thể, đối với các mặt hàng rau, củ, trái cây do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung dồi dào, giá chỉ tăng nhẹ. Hiện bắp cải 10.000 - 15.000 đồng/kg, su hào 5.000 - 8.000 đồng/củ, xà lách 15.000 - 20.000 đồng/kg, khoai tây 15.000 - 20.000 đồng/kg, súp lơ 10.000 - 15.000 đồng/cây...
Tương tự, đối với mặt hàng trái cây bày mâm ngũ quả như cam Canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... giá tăng nhẹ so với ngày thường. Cụ thể, bưởi diễn loại thường 25.000 - 30.000 đồng/quả; cam Canh (loại 1) 65.000 - 80.000 đồng/kg; xoài cát Chu 50.000 - 60.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 - 25.000 đồng/kg; táo đường (Mỹ, Úc) 110.000 - 130.000 đồng/kg)...
Sắp bước sang năm mới Canh Tý 2020 nên sức mua hoa đào, quất cảnh giảm mạnh; giá bán cũng giảm 40-50%, hiện quất bonsai mini chỉ 50.000 - 70.000 đồng/cây. Trong khi đó, các loại hoa cắm lọ như lay-ơn, thược dược, hoa ly giá lại tăng gấp 2 lần so với ngày 28 Âm lịch, hiện hoa ly từ 250.000 - 400.000 đồng/chục cành, lay-ơn từ 120.000 - 140.000 đồng/chục cành; cúc đại đóa khoảng 60.000 - 80.000 đồng/chục... Đặc biệt, hoa hồng có cành lộc giá bán lên đến 170.000 - 200.000 đồng/chục cành.
Đảm bảo nguồn hàng không thiếu
Báo cáo hoạt động dự trữ hàng hóa của Bộ Công Thương cho thấy, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các DN tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các DN tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm 2019.
Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng như gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Nhận định về thị trường hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, hàng hóa trên thị trường trong ngày 29 - 30 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nguồn cung khá phong phú, các siêu thị tổ chức chương trình khuyến mại nên giá cả hàng hóa không tăng nhiều so với ngày thường.
“Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do đó giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều” - ông Đông nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt lợn trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
Hệ thống siêu thị Big C đã cam kết với Bộ Công Thương từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020 bán thịt lợn không lợi nhuận. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã tăng 30 - 40% nguồn cung thịt lợn ra thị trường, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương.
Nhằm đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… đã vận động một số DN đưa mặt hàng thực phẩm tươi sống vào diện bình ổn thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân Thủ đô trong tháng Tết là 22.300 tấn hơi (khoảng 740 tấn/ngày). Trong khi đó, nguồn cung thịt lợn trong tháng 1/2020 có thể đạt 23.520 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, TP cũng gửi thông tin có thể cung cấp cho Hà Nội khoảng 43.000 tấn thịt lợn trong tháng 1/2020 đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.
Việc ngành công thương tích cực đồng hành cùng DN trong việc dự trữ hàng hóa, nhất là mặt hàng thịt lợn đã góp phần bình ổn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nói chung, nhất là thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu khá lớn dịp cuối năm và lễ Tết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng tăng giá. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt cho thị trường trong nước, trước mắt tập trung nhập khẩu 100.000 tấn trong quý I/2020. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các DN, nhất là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp trước, trong và sau Tết.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng
Hiện nguồn cung thịt lợn của TP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu (tương đương 14.600 tấn), còn lại nhập từ các tỉnh 40% (khoảng 8.920 tấn), nguồn cung tương đối dồi dào nên TP Hà Nội hiện chưa tính đến phương án nhập khẩu. Sở Công Thương Hà Nội đã vận động được 10 DN tham gia dự trữ, bình ổn mặt hàng thịt lợn với lượng hàng cung ứng trong tháng Tết khoảng hơn 3.000 tấn. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin các đơn vị giết mổ để DN, đơn vị phân phối trên địa bàn Hà Nội khai thác về phục vụ người dân Thủ đô.