Hàng hóa vi phạm pháp luật hải quan bị phát hiện, bắt giữ tăng gấp 5 lần

Theo thống kê mới nhất, trị giá hàng hóa vi phạm pháp luật về hải quan bị phát hiện, bắt giữ trong nửa năm qua tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều thủ đoạn tinh vi mới

Trong 6 tháng năm 2024, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng, tăng 504% so với cùng kỳ năm 2023.

Hai đối tượng Xeng và Sisavanh YongYaerlor cùng tang vật ma túy bị Hải quan - Biên phòng Cầu Treo bắt giữ ngày 9/5/2024. Ảnh: Thế Mạnh

Hai đối tượng Xeng và Sisavanh YongYaerlor cùng tang vật ma túy bị Hải quan - Biên phòng Cầu Treo bắt giữ ngày 9/5/2024. Ảnh: Thế Mạnh

Trong đó, trên tuyến đường bộ, đường sắt, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.132 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 721 tỷ đồng.

Tuyến đường biển, đường sông ghi nhận 4.085 vụ việc do cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 15.050 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan này cũng chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ với tổng số 984 vụ việc vi phạm trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 403 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan đã khởi tố 11 vụ, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2023 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 381 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ thực tiễn phát hiện, bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành Hải quan cho thấy, bên cạnh phương thức, thủ đoạn các đối tượng buôn lậu thường sử dụng như khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá hàng hóa..., xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, phức tạp đã bị cơ quan hải quan phát hiện, bắt giữ trên các tuyến, địa bàn.

Có thể kể đến như việc các đối tượng tách nhỏ lẻ hàng hóa, giấu lẫn trong các kiện hàng, thùng hàng, giấu trên các phương tiện vận tải, vận chuyển qua các đường tiểu ngạch, vận chuyển không theo quy luật; lợi dụng đêm tối, giờ cao điểm; cải trang dưới dạng đi thăm thân, đi nương rẫy xa trên biên giới, đi săn bắn… để hoạt động buôn lậu.

Hoặc gần đây, một hành vi phổ biến được thực hiện là cất giấu hàng hóa trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay trên tuyến hàng không nhằm qua mắt các lực lượng chức năng.

Các đối tượng cũng lựa chọn gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh, sử dụng địa chỉ không chính xác để gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân không nhằm mục đích thương mại để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. Khai báo thông tin người nhận không rõ ràng, sử dụng nhiều địa chỉ khác nhau cho cùng một người nhận hàng.

Hiện đại hóa trang thiết bị đấu tranh

Để từng bước ngăn chặn và chủ động phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành Hải quan tập trung bám sát và thực hiện quyết liệt các chỉ đạo, chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm.

Công chức hải quan kiểm tra hành lý qua máy soi . Ảnh: Lê Thu.

Công chức hải quan kiểm tra hành lý qua máy soi . Ảnh: Lê Thu.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, cảnh báo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại như Kế hoạch kiểm soát hải quan năm 2024, Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa và Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các cảng hàng không quốc tế...

Cơ quan hải quan cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản, chính sách trong lĩnh vực hải quan nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong quy trình, thủ tục hải quan mà các đối tượng buôn lậu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.

Đặc biệt là tập trung hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan: đầu tư, mua sắm trang thiết bị như hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát, thiết bị phát hiện nhanh ma túy, seal điện tử... phục vụ cho công tác giám sát trực tuyến, soi chiếu, phân tích hình ảnh để kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại vừa phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.

Ngành Hải quan tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước trong việc xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực hải quan./.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hang-hoa-vi-pham-phap-luat-hai-quan-bi-phat-hien-bat-giu-tang-gap-5-lan-154963.html