Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thoát 'án thương mại' từ Mỹ
Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo tin từ Bộ Công thương, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) vừa chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301, Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Mỹ sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công thương đánh giá, đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt tích cực đối với quan hệ kinh tế - thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Đồng thời, cũng là bước đi tích cực tiếp theo thỏa thuận đạt được giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, hướng tới xây dựng quan hệ ổn định và bền vững, có lợi cho cả hai nước trên tinh thần Đối tác toàn diện.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã thông báo không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu trong báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" hồi tháng 12/2020.
Ngoài Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc) cũng được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các quốc gia mà chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump cho là thao túng tỷ giá hối đoái.
Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam và Thụy Sĩ dựa theo 3 tiêu chí: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.