Hàng không Đông - Nam Á có lợi thế lớn phục hồi sau dịch
Ngày 25-2, nhà chế tạo máy bay Boeing dự báo, các hãng hàng không khu vực Đông - Nam Á sẽ cần 4.400 máy bay mới trị giá 700 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu du lịch hàng không gia tăng trong 20 năm tới.
Ngày 25-2, nhà chế tạo máy bay Boeing dự báo, các hãng hàng không khu vực Đông - Nam Á sẽ cần 4.400 máy bay mới trị giá 700 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu du lịch hàng không gia tăng trong 20 năm tới.
Theo đó, Đông - Nam Á sẽ trở thành thị trường lớn thứ 5 thế giới đến năm 2039, trong đó mạng lưới rộng lớn của du lịch hàng không nội địa và khu vực là lợi thế giúp Đông - Nam Á phục hồi thuận lợi sau đại dịch Covid-19, theo dự báo thị trường thương mại (CMO) của Boeing năm 2020.
Ông Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách Tiếp thị Thương mại của hãng Boeing, cho biết: “Những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng tại Đông - Nam Á vẫn còn mạnh mẽ. Nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tiêu dùng cá nhân, nền kinh tế tại khu vực này đã tăng trưởng gần 70% trong 10 năm qua, thúc đẩy xu hướng du lịch và di chuyển. Ngoài ra, Chính phủ các nước Đông - Nam Á cũng tiếp tục xem ngành du lịch và lữ hành là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế”.
Nhờ các hãng bay giá rẻ với dịch vụ vừa túi tiền và hiệu suất khai thác tăng cường, dự báo thị trường thương mại ước tính lưu lượng hành khách tại Đông - Nam Á sẽ tăng ở mức 5,7% mỗi năm đến năm 2039. Trong khoảng thời gian này, Đông - Nam Á sẽ trở thành thị trường hàng không lớn thứ hai sau Trung Quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hãng Boeing cũng dự báo, đội máy bay thương mại của Đông - Nam Á sẽ tăng trưởng 5,3% mỗi năm trong 20 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu về các dịch vụ hậu mãi trong mảng máy bay thương mại trị giá 790 tỷ USD sẽ giúp duy trì đội máy bay trong cùng khoảng thời gian này.
Trong khi số máy bay giao mới trong ngắn hạn đang chịu tác động của dịch Covid-19, Boeing ước tính các nhà khai thác sẽ cần hơn 3.500 máy bay thân hẹp mới tại Đông - Nam Á cho đến năm 2039. Các máy bay thân hẹp như dòng 737 sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng về công suất bay trong khu vực, nơi các hãng bay giá rẻ có mức thâm nhập thị trường cao nhất thế giới.
Các loại máy bay thân rộng như 777X và 787 Dreamliner vẫn tiếp tục là nền tảng của ngành du lịch hàng không Đông - Nam Á. Trong 20 năm tới, gần 25% số máy bay thân rộng giao tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được dành cho một hãng hàng không hoạt động tại Đông - Nam Á.
Nhìn chung, Boeing dự báo, khu vực Đông - Nam Á sẽ cần 760 máy bay thân rộng mới đến năm 2039, giúp các hãng hàng không trong khu vực thực hiện các kế hoạch thay thế hiệu quả và phát triển mạng lưới linh hoạt. Trong khi thị trường các chuyến bay đường dài dự kiến sẽ phục hồi chậm hơn, đội máy bay thân rộng của Đông - Nam Á ước tính tăng trưởng 55% lên 780 chiếc đến năm 2039.
Trong dài hạn, mức tăng trưởng của các dịch vụ hàng không thương mại tại Đông - Nam Á vẫn khả quan. Các dịch vụ thương mại dự báo sẽ đạt giá trị 790 tỷ USD trong 20 năm tới, tăng nhẹ so với dự báo năm ngoái. Con số này được thúc đẩy chủ yếu nhờ sự phát triển của các máy bay chở hàng được chuyển đổi từ máy bay chở khách, cũng như các giải pháp số hóa và phân tích dữ liệu. Đông - Nam Á cũng được dự đoán sẽ cần thêm 183 nghìn phi công thương mại, thành viên phi hành đoàn và kỹ thuật viên hàng không trong 20 năm tới.
Trên toàn cầu, Boeing ước tính sẽ cần 43.110 máy bay thương mại mới và nhu cầu về các dịch vụ hậu mãi trong mảng máy bay thương mại trị giá 9.000 tỷ USD trong 20 năm tới. Lưu lượng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của thế giới được dự báo tăng trưởng 4% mỗi năm nhờ phát triển vững vàng về sản xuất công nghiệp và giao thương toàn cầu. Các máy bay chở hàng sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, với nhu cầu cho 930 chiếc mới và 1.500 máy bay chở hàng chuyển đổi từ máy bay chở khách trong cùng giai đoạn.