Hãng khổng lồ năng lượng Shell rút lui tất cả các hoạt động tại Nga
Tính đến cuối năm 2021, tập đoàn năng lượng Shell có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án liên doanh ở Nga.
Tập đoàn Shell (Anh) đã trở thành hãng năng lượng phương Tây mới nhất rút lui tất cả các hoạt động với Gazprom - tập đoàn năng lượng khổng lồ do nhà nước Nga hậu thuẫn.
Shell cho biết sẽ kết thúc hoạt động liên doanh với Gazprom và các đơn vị liên quan. Hãng sẽ bán 27,6% cổ phần của mình trong nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin 2 tại Nga. Shell cũng từ bỏ từ 50% cổ phần của hãng trong Công ty Phát triển Dầu khí Salym và liên doanh năng lượng Gydan, vốn được sở hữu và điều hành bởi tập đoàn khí đốt Gazprom. Salym và Sakhalin 2 đã đóng góp tổng cộng 700 triệu USD vào thu nhập ròng của Shell trong năm 2021.
Nhà máy Sakhalin 2, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nga, là một trong những dự án dầu khí tổng hợp định hướng xuất khẩu lớn nhất thế giới. Đây là dự án khí đốt ngoài khơi đầu tiên của Nga với sản lượng LNG hàng năm khoảng 11,5 triệu tấn, được xuất khẩu sang các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản.
Shell cũng ngừng các hoạt động trong dự án đường ống Nord Stream 2, dự án năng lượng được hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái vốn gây nhiều tranh cãi tại châu Âu nhằm tăng gấp đôi dòng chảy khí từ Nga đến Đức qua lòng biển Baltic. Hãng khổng lồ dầu mỏ ước tính đã đầu tư 750 triệu bảng Anh vào dự án đường ống này.
Shell cho biết việc rút hui các hoạt động tại Nga sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển sang năng lượng cacbon thấp và năng lượng tái tạo. Tính đến cuối năm 2021, tập đoàn có khoảng 3 tỷ USD tài sản dài hạn trong các dự án liên doanh ở Nga. Đại diện hãng Shell thừa nhận về thiệt hại của động thái này: “Quyết định rút lui khỏi liên doanh với Gazprom và các đơn vị có liên quan sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản của Shell tại Nga".
Ông Ben van Beurden, Giám đốc điều hành của Shell, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi rất kinh ngạc trước thiệt hại tại Ukraine. Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Đó là hành động quân sự vô nghĩa đe dọa tới an ninh châu Âu”. Ông nói thêm “ Chúng tôi tin tưởng vào quyết định rút lui của mình”, “Trước mắt trọng tâm của hãng là giữ an toàn cho người dân Ukraine và hỗ trợ người dân chúng tôi tại Nga”; ‘'Chúng tôi sẽ làm việc về chính sách kinh doanh cụ thể trong cuộc trao đổi với các chính phủ, bao gồm tầm quan trọng của việc cung cấp năng lượng an toàn cho châu Âu cũng như các thị trường khác trong khi tuân thủ các lệnh trừng phạt liên quan”.
Ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh, đã bày tỏ ủng hộ Shell về quyết định rút khỏi các liên doanh. Ông viết trên Twitter: “Shell đã thực hiện đúng lời kêu gọi thoái vốn khỏi Nga - bao gồm cả nhà máy Sakhalin II. Giờ đây, các công ty Anh phải thực hiện cô lập Nga”.
Động thái này của Shell diễn ra một ngày sau khi hãng đối thủ BP cho biết sẽ rút 19,75% cổ phần của mình trong tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft tại Nga. Ông Bernard Looney, Giám đốc điều hành BP, sẽ từ chức hội đồng quản trị Rosneft với “hiệu lực ngay lập tức”.
Phạm Hà Thanh (theo The National News, Mail Online)