Hàng không nhãn mác bủa vây siêu thị, tiệm tạp hóa

Thời gian gần đây, tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn ngập các siêu thị và cửa hàng tạp hóa trên khắp cả nước đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Đặc biệt, bánh kẹo Trung Quốc không có tem dán, nhãn mác xuất hiện ngày càng nhiều, gây ra sự lo ngại lớn trong cộng đồng người tiêu dùng. Những sản phẩm này thường được bày bán với giá rẻ, hấp dẫn nhiều người mua nhưng lại ẩn chứa nguy cơ về an toàn thực phẩm.

Hàng “ngoại” không tem, nhãn

Người Việt có tâm lý chuộng hàng “ngoại”, để đáp ứng nhu cầu của người dân, các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini... bày bán nhiều mặt hàng được cho là nhập khẩu từ nước ngoài. Các mặt hàng này rất đa dạng, từ thực phẩm, hoa quả, sữa... đến các loại mỹ phẩm, đồ gia dụng, bánh kẹo, đồ ăn vặt. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không tem, nhãn phụ tiếng Việt được bán tràn lan. Đặc biệt là bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng nhập lậu tại Bắc Giang.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng nhập lậu tại Bắc Giang.

Hiện nay, có thể thấy, một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sản phẩm Trung Quốc vì giá rẻ và hương vị đa dạng. Các sản phẩm này thường mẫu mã đa dạng, bắt mắt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, được bày bán rộng rãi tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi và thậm chí trên các nền tảng thương mại điện tử. Vì giá rẻ nên dễ dàng xâm nhập các khu vực nông thôn, nơi người tiêu dùng có thu nhập thấp và ít quan tâm đến chất lượng hơn so với giá cả. Nhiều loại đồ ăn vặt được quảng cáo là “hàng nội địa Trung Quốc” ồ ạt xuất hiện, bán tràn lan và đang gây “sốt” trên thị trường.

Trên các sàn thương mại điện tử như TikTok shop, các loại bánh bông lan, bánh mì mặn... bắt mắt về hình thức, lạ miệng và giá cả phải chăng được nhiều người tiêu dùng mua về thưởng thức. Trong đó, set bánh mix vị được yêu thích hơn cả. Sản phẩm này đang được trợ giá 51%, còn 146.800 đồng/set, khoảng 25-30 chiếc bánh đủ loại.

Với sức hút lớn từ quảng cáo hấp dẫn, không ít người mua đồ ăn vặt Trung Quốc vì tin vào lời người bán hàng “hàng nội địa sản xuất cho dân họ ăn nên đảm bảo tuyệt đối về chất lượng”. Có nhiều người mua ăn vì thấy ngon, hương vị khác lạ mà không cần quan tâm nhiều đến nguồn gốc.

Mặc dù các sản phẩm “nội địa Trung Quốc” được “truyền tai” nhau về độ ngon rẻ, tuy nhiên chất lượng, nơi sản xuất cụ thể lại hoàn toàn chưa qua kiểm tra đánh giá.

Tại một siêu thị mini trên phố Phủ Doãn, gần Bệnh viện Việt Đức, rất nhiều loại bánh bông lan của Trung Quốc được bày bán. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, các loại bánh này trên bao bì sản phẩm 100% đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh hay dán tem phụ về thành phần, hướng dẫn sử dụng. Lựa chọn một chiếc bánh bông lan hình quả chuối, khi phóng viên thắc mắc không tìm thấy hạn sử dụng thì nhân viên bán hàng cho biết, hàng mới nhập về, yên tâm là hạn sử dụng còn dài.

Tại một siêu thị tiện ích ở một tòa chung cư quận Cầu Giấy, phóng viên cũng nhận thấy rất nhiều sản phẩm bánh bông lan, bánh kem... được chất đầy các giỏ nhựa. Tất cả đều có chữ Trung Quốc, không ghi rõ hạn sử dụng. Khi khách hàng thắc mắc về hạn sử dụng thì nhân viên cho biết hàng mới nhập, hạn sử dụng để được 3 tháng.

Tương tự, tại một shop chuyên kinh doanh hàng Nhật ở quận Cầu Giấy cũng bày bán rất nhiều mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ ăn xuất xứ từ Nhật Bản... nhưng hầu hết không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Khi thắc mắc hỏi nhân viên thì người này cho biết, hàng của shop 100% được nhập khẩu về Việt Nam, đảm bảo uy tín chất lượng, nhưng vì mới về nhiều nên chưa kịp dán nhãn sản phẩm.

Nhiều siêu thị mini vẫn vô tư bày bán đồ ăn nước ngoài không có tem, mác.

Nhiều siêu thị mini vẫn vô tư bày bán đồ ăn nước ngoài không có tem, mác.

Chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy) cho hay, vốn ưa chuộng hàng Nhật nên chị thường xuyên ra siêu thị Nhật gần nhà để mua hàng. Thế nhưng, nhiều đồ không hề có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nếu muốn kiểm tra nguồn gốc, thành phần của sản phẩm đều phải nhờ nhân viên giới thiệu, trong khi bản thân một số nhân viên cũng không hẳn nắm rõ mà chỉ giới thiệu chung chung về sản phẩm và một vài công dụng sơ sài. Việc dán nhãn phụ sẽ giúp người tiêu dùng hiểu được công dụng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, dễ tìm kiếm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình.

Tăng cường quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng

Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm này có thể chứa các thành phần độc hại hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như ngộ độc thực phẩm, dị ứng, thậm chí là các bệnh mãn tính. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng đến thị trường và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khi hàng hóa kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường, làm giảm uy tín và doanh thu của các sản phẩm nội địa.

Thông thường, người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm bán và lưu hành trên thị trường thông qua nhãn hiệu hàng hóa. Thế nhưng, những hàng hóa mua theo cách này không có tem, nhãn phụ thì người tiêu dùng chẳng khác nào “mò kim đáy biển”, họ cũng có nguy cơ mua phải hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn khá nhiều vào thị trường như hiện nay.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng đúng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng thì việc đọc được các thông tin nhãn hàng hóa gắn trên sản phẩm là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Do đó, việc ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu là điều kiện bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trước khi đưa hàng hóa đó ra thị trường.

Theo Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa ghi rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Theo đó, các sản phẩm bày bán tại siêu thị, cửa hàng tiện ích... kể trên đang vi phạm không dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, khiến người tiêu dùng “mù mịt” về cách sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa...

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện vi phạm, đề xuất kiểm tra đối với siêu thị Đức Thành - Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đức Thành ở địa chỉ tầng 1+2, tòa nhà CT1, khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện siêu thị bày bán 239 sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát nhập lậu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 9 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính theo quy định và lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đức Thành về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và ra quyết định xử phạt 12 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên.

Ngày 31/7, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất kho hàng online tại số nhà 18-20-22 đường Quách Nhẫn 2A, phường Xương Giang, TP Bắc Giang, do bà T.T.T.H (sinh năm 1982), trú tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 70 nghìn sản phẩm gồm kem dưỡng da, kem nám, sữa rửa mặt, gel tẩy da chết, kem tẩy lông, kem dưỡng tóc, thuốc nhuộm tóc, nước hoa... Tổng trị giá của kho hàng này khoảng 1 tỷ đồng.

Quá trình làm việc, bà T.T.T.H thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.

Lực lượng chức năng thẩm tra, xác minh một tài khoản bán hàng trên mạng xã hội tại thành phố Móng Cái.

Lực lượng chức năng thẩm tra, xác minh một tài khoản bán hàng trên mạng xã hội tại thành phố Móng Cái.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh L.T.H (địa chỉ phường Trần Phú, TP Móng Cái). Qua kiểm tra, phát hiện tại hộ kinh doanh này có 424 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, gồm: 30 thùng củ cải muối, loại 10 kg/thùng; 340 lọ đậu phụ thối, loại 340 g/lọ và 54 can xì dầu, loại 1,9 lít/can. Tổng trị giá số hàng là 48,8 triệu đồng. Chủ hộ kinh doanh khai nhận mua gom số hàng hóa trôi nổi trên thị trường về bán tại cửa hàng và đăng bán qua Facebook có tên Lê Hồng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm nhập vào thị trường. Một phần là do sự lỏng lẻo trong quản lý và kiểm tra của cơ quan chức năng, khiến cho các đối tượng kinh doanh lợi dụng lỗ hổng để nhập lậu và tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và cửa hàng sẵn sàng vi phạm pháp luật để kiếm lời, không ngần ngại nhập khẩu và bày bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia và người tiêu dùng đã lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp mạnh tay để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng. Các biện pháp như tăng cường kiểm tra đột xuất, áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc chọn lựa sản phẩm an toàn cũng cần được thực hiện.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và duy trì sự phát triển bền vững của thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Người tiêu dùng hãy là nhà thông thái, kiên quyết tẩy chay với các hàng hóa thiếu các thông tin, xuất xứ theo quy định; chủ động tìm hiểu về sản phẩm trên các trang thông tin của ngành chuyên môn để bảo đảm sản phẩm đã được cấp phép hoặc sản phẩm không thuộc diện bị thu hồi do phát hiện các lỗi sau khi đưa ra thị trường.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hang-khong-nhan-mac-bua-vay-sieu-thi-tiem-tap-hoa-i739746/