Hàng không quốc tế là tuyến trọng điểm tập trung đấu tranh tội phạm về ma túy
Thời gian gần đây, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là sau vụ việc 4 nữ tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam mang theo hơn 11kg ma túy tổng hợp trong hành lý xách tay từ Pháp, nhập cảnh về Việt Nam bị Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện. Liên quan đến vấn đề này, có thể thấy châu Âu đang nổi lên là một thị trường cung cấp ma túy bất hợp pháp lớn và hành khách đi máy bay cần cảnh giác với thủ đoạn mới của tội phạm ma túy.
Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, liên minh châu Âu (EU) bao gồm 27 quốc gia thành viên với dân số trên 450 triệu người, chiếm 1/6 nền kinh tế thế giới. Năm 2022, ước tính khu vực này có khoảng 83,4 triệu người, tương đương 29% người trưởng thành (tuổi từ 15-64) đã từng sử dụng ma túy bất hợp pháp. Trong đó, hơn 22 triệu người sử dụng cần sa, tiếp theo là các loại ma túy khác với 3,5 triệu người sử dụng cocaine, 2,6 triệu người sử dụng MDMA, 2 triệu người sử dụng Amphetamine; nhóm sử dụng heroin hoặc loại ma túy chiết xuất gốc thuốc phiện chỉ có hơn 1 triệu người.
Nguồn cung ma túy vào khu vực này chủ yếu đến từ Nam Mỹ, Tây Á và Bắc Phi; ngoài ra, các chất hướng thần mới được phát hiện nhiều từ Trung Quốc và Ấn Độ. Những thay đổi trong hoạt động sản xuất, mua bán ma túy của các băng nhóm tội phạm ở châu Âu đã tạo ra nhiều tuyến ma túy mới và quan hệ giữa các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây EU được đánh giá là nơi sản xuất quan trọng đối với một số loại ma túy tổng hợp Amphetamin (ATS) với độ tinh khiết cao và đang có xu hướng gia tăng để cung cấp cho các thị trường ngoài khu vực.
Với công nghệ hiện đại, ma túy tổng hợp dạng viên (MDMA) và Ketamin nguồn gốc từ châu Âu có chất lượng cao, giá rẻ hiện được giới trẻ Việt Nam rất ưa chuộng. Chính vì vậy, tội phạm ma túy quốc tế, chủ yếu là người Việt đang làm ăn, sinh sống tại châu Âu móc nối với đối tượng ở trong nước hình thành các đường đây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh từ các nước Đức, Séc, Hà Lan, Bỉ… về Việt Nam tiêu thụ.
Đặc biệt, sau gần 2 năm gián đoạn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2022, Việt Nam đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay thường lệ đến châu Âu. Lợi dụng sự thuận lợi, nhanh chóng của vận tải hàng không, các đường dây tội phạm ma túy cũng đẩy mạnh hoạt động làm cho tình hình diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ riêng tại Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2023, số lượng ma túy gửi qua đường hàng không, chuyển phát nhanh bị bắt giữ đã nhiều hơn 51kg so với lượng ma túy thu giữ của 5 năm trước đó cộng lại.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy chỉ rõ, phương thức, thủ đoạn phạm tội phổ biển của các đối tượng bao gồm: Các băng nhóm tội phạm có sự câu kết, móc nối giữa đối tượng ở trong và ngoài nước theo sự chỉ đạo, điều hành của các đối tượng chủ mưu cầm đầu (chủ yếu là người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài). Lợi dụng những công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và có chi nhánh ở nước ngoài như: Đức; Pháp; Hà Lan; Bỉ; CH Séc... để vận chuyển trái phép các chất ma túy về Việt Nam tiêu thụ.
Để "qua mắt" lực lượng chức năng cùng hệ thống máy soi chiếu hiện đại, các đối tượng thường cất giấu ma túy lẫn vào các loại hàng hóa thông thường như: bánh kẹo, cà phê, dầu gội, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thức ăn cho vật nuôi… hoặc các loại máy móc như: máy pha cà phê, máy hút bụi, máy lọc không khí.
Đối tượng cầm đầu ở nước ngoài điều hành các đối tượng không biết nhau ở trong nước đảm nhiệm các khâu giao nhận hàng, liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội (Facebook, Intergram, Viber..). Khi giao hàng, đối tượng cầm đầu thường xuyên chỉ đạo thay đổi địa chỉ, số điện thoại người nhận; thuê shiper giao hàng lòng vòng nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Nếu thấy nghi ngờ sẽ lập tức "bỏ của chạy lấy người" khiến nhiều kiện hàng ma túy không có người nhận, trở thành hàng vô chủ.
Đối với các vụ vận chuyển ma túy ký gửi trong hành lý của hành khách trên các chuyến bay, đối tượng qua nhiều kênh thông tin để liên hệ, thuê người vận chuyển. Việc giao dịch chủ yếu qua các ứng dụng mạng xã hội, người gửi, người nhận không quen biết nhau. Để tạo niềm tin, đối tượng cho người nhận chuyển hàng kiểm tra hàng hóa, sau đó trộn lẫn các mặt hàng có hình dáng, kích thước tương tự nhưng bên trong giấu ma túy. Điển hình như vụ 4 tiếp viên hàng không mang theo các va li chứa hơn 11kg ma túy tổng hợp từ nước ngoài về Việt Nam mà qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ xử lý họ về hành vi "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Cũng theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, để chủ động phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyền đường hàng không, thời gian tới các lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm ma túy thuộc lực lượng Công an, Hải quan cần xác định tuyến hàng không quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu về Việt Nam là một trong những tuyến trọng điểm để tập trung đấu tranh.
Trên cơ sở làm tốt công tác nắm tình hình cần dựng đường dây, tuyến vận chuyển chính để đấu tranh ngăn chặn từ sớm, từ xa. Tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, tương trợ tư pháp và đấu tranh chuyên án chung với Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Cảnh sát liên minh châu Âu (Europol) và Cảnh sát các quốc gia thuộc EU để điều tra mở rộng các vụ án ma túy trên tuyến hàng không từ nước ngoài về Việt Nam nhằm truy rõ nguồn gốc, bắt giữ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện nghiêm Luật Bưu chính; kiến nghị các bộ, ngành chức năng tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về việc cấp phép dịch vụ bưu chính; kinh doanh vận chuyển hàng hóa logictics theo hướng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về nhân lực, phương tiện, thiết bị kiểm soát an ninh hàng hóa; có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh nếu tái phạm.
Đề nghị các hãng hàng không phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, quy chế của đơn vị cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không; tăng cường kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, nhất là các chuyến bay quốc tế. Đặc biệt là việc quán triệt, thực hiện Kế hoạch số 11 ngày 22/11/2022 của Ban Chỉ đạo 389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; Chỉ thị số 1480 của Cục Hàng không Việt Nam về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động của nhân viên hàng không vừa được ban hành.
Đối với hành khách đi máy bay, cần nâng cao cảnh giác và tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật về phòng, chống vận chuyển hàng cấm, chất cấm. Việc có người nhờ cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tầu nhiều người cho là việc bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc vận chuyển, cầm hộ hàng hóa có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề.
Cục CSĐT tội phạm về ma túy khuyến cáo, người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hóa, nhất là cầm hộ qua biên giới phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật hay không. Không xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý; giữ hành lý và giấy tờ tùy thân cẩn thận để tránh bị lợi dụng tráo đổi. Có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc nghi ngờ hành lý của mình có chất cấm, hàng cấm và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ vụ việc; đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để chứng minh lỗi "vô ý" của mình với hành vi vi phạm.