Hàng không tìm giải pháp tăng tải cung ứng, đáp ứng mùa du lịch cao điểm

Ngành hàng không bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm mùa du lịch hè. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các hãng hàng không đang nỗ lực tăng tải trọng cung ứng, nhất là trên các đường bay có lưu lượng lớn. Tuy nhiên, chi phí tăng cao là thách thức không nhỏ, đơn cử như việc thuê thêm máy bay để đưa vào khai thác.

Lo ngại càng bay nhiều càng lỗ

Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), tỷ lệ đặt chỗ trong vòng 1 tháng tới trên các đường bay nội địa đạt mức cao hơn trung bình đối với một số đường bay kết nối các điểm du lịch từ các địa phương, nhất là vào cuối tuần và các ngày cận kề với thời điểm khởi hành.

Cụ thể, tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương đạt khoảng hơn 50% trong các ngày cận kề và vào cuối tuần, với các ngày xa hơn tỷ lệ này dao động ở mức chỉ từ 20-40%.

 Hành khách làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: NIA

Hành khách làm thủ tục hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: NIA

Một số đường bay du lịch từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ cao hơn bình quân như Hà Nội-Quy Nhơn (Bình Định), Hà Nội-Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội-Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh-Điện Biên.

Về giá vé máy bay, các hãng hàng không Việt Nam công bố nhiều mức giá vé cho các chặng bay khai thác, trong đó có nhiều mức giá thấp hơn đáng kể so với mức tối đa theo quy định đối với hạng phổ thông cơ bản.

Ví dụ chặng Hà Nội-Quy Nhơn, mức giá chưa gồm thuế, phí dao động từ 1,9 triệu đồng đến 2,4 triệu đồng, tương đương từ 67-83% mức tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng). Chặng Hà Nội-Phú Quốc, giá vé chưa gồm thuế, phí dao động từ 2,7 triệu đồng đến 3,4 triệu đồng, tương đương 69-87% mức tối đa theo quy định (4 triệu đồng).

Giai đoạn vừa qua, giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vận tải, một trong những nguyên nhân do thiếu máy bay khi nhiều động cơ máy bay phải bảo dưỡng theo yêu cầu của nhà sản xuất. Một số hãng hàng không thực hiện tái cơ cấu, giảm số lượng máy bay.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng, giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt, giảm nhiệt khi số lượng máy bay của các hãng tăng lên. Hiện nay, các hãng hàng không trong nước đang vận hành khoảng 160 máy bay, giảm 60-70 chiếc so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ tại hội thảo về hàng không, du lịch do Báo Nhân Dân tổ chức.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways chia sẻ tại hội thảo về hàng không, du lịch do Báo Nhân Dân tổ chức.

Theo ông Lương Hoài Nam, hiện nay trên thế giới số lượng máy bay đang hoạt động còn rất nhiều, chúng ta chỉ cần trả giá cao hơn là thuê được máy bay, 60 hay 100 chiếc cũng có nếu chấp nhận mặt bằng giá cả. Máy bay thuê ướt (thuê cả máy bay, phi hành đoàn) mất 2 tuần đến 1 tháng, thuê khô (chỉ thuê máy bay) lâu nhất là 3 tháng.

Tuy nhiên, các hãng bay không đưa máy bay về vì không có động lực kinh tế, bay nhiều lỗ nhiều. “Nếu đưa máy bay về có lãi chúng tôi đưa về ầm ầm. Nhưng mặt bằng chi phí hiện nay cộng với cơ chế giá vé trần làm cho việc bay nội địa có lãi trở nên không khả thi”, ông Lương Hoài Nam chia sẻ. Vì vậy, cần phải tạo động lực để các hãng hàng không đưa máy bay về, mở thêm đường bay, khi có nhiều máy bay thì giá vé sẽ giảm nhiệt.

Đề xuất hỗ trợ phát triển đội máy bay

Để góp phần giảm chi phí đầu vào của hàng không, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm đề nghị các hãng hàng không tăng hiệu suất sử dụng máy bay, sử dụng nhiều khung giờ trong ngày, rút ngắn thời gian quay đầu máy bay. Điều này đòi hỏi cả hệ thống, không chỉ hãng hàng không mà còn đơn vị phục vụ mặt đất.

Trong giảm giá vé, các hãng hàng không đều dành từ thấp đến cao để số đông khách hàng, người dân tiếp cận được với mức chi trả của mình. Trong bối cảnh mới, các hãng hàng không cũng cần tồn tại, phát triển, nếu không có lợi nhuận thì không thu hút được việc mở thêm các hãng hàng không. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam mong muốn các địa phương quan tâm, kết nối hàng không và du lịch, góp phần để các hãng hàng không tăng thêm đường bay, hỗ trợ giải quyết vấn đề chi phí đầu vào.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhìn nhận, dư địa hợp tác giữa hàng không và du lịch còn rất nhiều, trong điều kiện thực tế, Vietnam Airlines có những chương trình hợp tác với du lịch. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam và thế giới thiếu máy bay, giữa các hãng hàng không cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm, cố gắng khai thác hiệu quả nhất.

Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Đỗ Xuân Quang phát biểu tại tại hội thảo về hàng không, du lịch do Báo Nhân Dân tổ chức.

Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Đỗ Xuân Quang phát biểu tại tại hội thảo về hàng không, du lịch do Báo Nhân Dân tổ chức.

Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Đỗ Xuân Quang cho rằng, để hàng không và du lịch Việt Nam cùng phát triển thì cần xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, không chỉ dừng lại ở sự kết hợp mang tính thời điểm giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không mà là những cái bắt tay lâu dài, trên cơ sở đồng hành, cùng chia sẻ lợi ích chung.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, trong bối cảnh còn nhiều thách thức đối với cả du lịch và hàng không, Chính phủ cần tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch. Đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay (giờ cất hạ cánh), quản lý hoạt động khai thác tại các cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hang-khong-tim-giai-phap-tang-tai-cung-ung-dap-ung-mua-du-lich-cao-diem-781299