Cao tốc 34.500 tỷ bị thấm dột Một năm sau khi đưa vào khai thác, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị thấm dột khiến một số gầm cầu vượt biến thành ao nước, bãi bùn.
Sau 1 năm sử dụng, một số cầu vượt, cầu chui trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Tư Nghĩa và huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) bị thấm dột.
Cầu vượt quốc lộ 24B - VD 10A mỗi ngày có hàng nghìn người dân, học sinh đi qua. Ông Nguyễn Phấn (ngụ xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) cho biết nhiều người chạy xe tránh nước mưa thấm dột nên va chạm với phương tiện khác.
Nước thấm dột tạo mảng rêu xanh lớn bên thành cầu vượt quốc lộ 24B - VD 10A. "Năm ngoái, một số công nhân từng đến xử lý thấm dột cho cầu vượt này nhưng họ sửa qua loa rồi đâu lại vào đó", ông Lê Ba (ngụ xã Tịnh Hà) cho biết.
Tấm sắt lòi ra bên dưới gầm cầu vượt quốc lộ 24B - VD 10A và vết nứt bê tông ở khu vực bị thấm dột. Các chuyên gia xây dựng cầu đường Quảng Ngãi cho rằng nhiều khả năng công nhân dùng tấm sắt này để ốp khuôn đổ bê tông cầu. Khi lớp bê tông khô, lẽ ra các công nhân phải tháo tấm sắt này ra, sau đó chống thấm, tô trát lại nhưng họ bỏ qua khâu này gây mất thẩm mỹ.
Nước mưa chảy tung tóe tại các mối nối của ống thoát nước của cầu vượt cao tốc đoạn qua xã Tịnh Hà. Lãnh đạo VEC từng thừa nhận nguyên nhân xảy ra những tồn tại này là việc thi công hệ thống thoát nước mặt cầu chưa hoàn thiện để bảo đảm yêu kỹ thuật theo thiết kế (một số vị trí phễu thu nước và ống nhựa dẫn nước tuy đã được lắp đặt nhưng chưa được chèn khít, ống thoát nước bị bật khỏi mối nối…)
Hệ thống mương thoát nước cao tốc bị bồi lấp và cầu vượt bị thấm dột nước mưa đã tạo mương nước sình lầy dưới quốc lộ 24B. Kỹ sư cầu đường Lê Hoan (ngụ Quảng Ngãi) phân tích do cao độ mặt đường tại khe co giãn 2 đầu cầu thấp hơn so với cao độ trên mặt cầu và mặt đường. Tình trạng này nếu để kéo dài, nước mưa sẽ thấm vào các đầu dầm làm gỉ thép và cáp đầu dầm.
Nước mưa thấm dột tạo thành ao nước lớn bên dưới gầm cầu chui qua cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa). Bà Võ Thị Diệu (ngụ xã Nghĩa Kỳ) cho hay gia đình chi gần 10 triệu đồng mua vật liệu xây dựng để san lấp hố sâu dưới gầm cầu này để giảm thiểu tai nạn giao thông, tạo mặt bằng buôn bán trái cây, cá viên chiên.
Mương nước dưới gầm cầu thấm dột được người dân nuôi vịt. "Cao tốc mới hoạt động 1 năm mà cầu vượt thấm dột khắp nơi. Đơn vị thi công làm cầu xong nhưng đến nay chưa hoàn trả mặt bằng, để lại đất đá ngổn ngang. Vài ngày trước, một phụ nữ sụp ổ gà, té ngã dưới gầm cầu này tử vong", chị Diệu nói.
Ao nước lớn bên dưới cầu Bầu Thắng VD12 thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Theo lãnh đạo địa phương, nhà thầu làm rãnh dẫn nước mặt cầu thoát xuống dưới gầm cầu còn bất cập. Họ chưa thực hiện thanh thải lòng cầu, cống chui cũng như thanh thải vật liệu thừa khi thi công khiến cầu, hầm chui mất vệ sinh, xuất hiện các ao nước lớn gây nguy hiểm cho người dân.
Cống chui cao tốc tại Km 104+552 ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn ngập trong bùn lầy. Ông Trần Dũng (ngụ xã Bình Nguyên) nói bên ngoài cống chui cao hơn bên trong nên mỗi khi trời mưa lớn, bùn đất đỏ tràn vào bên trong tạo lớp sình lầy dày đặc gây khó khăn đi lại cho người dân.
Nước mưa ứ đọng trên mặt đường cao tốc gần cầu chui dân sinh đoạn qua xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nói tuyến cao tốc còn trong giai đoạn bảo hành nên về nguyên tắc các hạng mục hư hỏng phát sinh chủ đầu tư có trách nhiệm sửa chữa. "Chúng tôi đang rà soát các gói thầu, hạng mục công trình, nếu phát hiện vị trí nào hư hại sẽ lên kế hoạch khắc phục ngay", ông Hưng cho biết.
Rào chắn an toàn trống hoác dọc tuyến cao tốc 34.500 tỷ Sau hơn một năm công trình đưa vào khai thác, nhiều đoạn hành lang dọc theo tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa được rào chắn gây mất an toàn giao thông.
Minh Hoàng