Hàng loạt cây thông ba lá bị đầu độc ở Lâm Đồng

Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 250 cây thông ba lá đang sinh trưởng tốt bị đầu độc bằng cách khoan lỗ, đổ hóa chất khiến cây chết nhanh, khó cứu được.

Trong gần một tháng qua, địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra một số vụ phá rừng, đầu độc cây rừng nghiêm trọng. Số lượng thông ba lá bị phá hoại nhiều nhất xảy ra ở Tiểu khu 613 (xã Lộc Phú) và Tiểu khu 614 (xã Lộc Ngãi) của huyện Bảo Lâm.

Gần một tháng qua, tỉnh Lâm Đồng xảy ra một số vụ phá rừng, đầu độc cây rừng nghiêm trọng.

Gần một tháng qua, tỉnh Lâm Đồng xảy ra một số vụ phá rừng, đầu độc cây rừng nghiêm trọng.

Cụ thể, tại Tiểu khu 614, có 93 cây thông 30-40 năm tuổi trên diện tích 5.600 m2 thuộc lâm phần do Công ty CP Hà Phong quản lý đã bị khoan lỗ, đổ hóa chất khiến cây chết dần. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 105 m3. Tại Tiểu khu 613 có 159 cây thông ba lá khác cũng bị "bức tử" theo cách này.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bảo Lâm cho biết vụ việc xảy ra tại Tiểu khu 614 được Công ty CP Hà Phong phát hiện vào ngày 6-7, cứu chữa cho cây bằng cách dùng cưa cắt bỏ vị trí bị đổ hóa chất. Thế nhưng, doanh nghiệp này không lập hồ sơ và báo cáo cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định.

Chỉ đến khi lực lượng chức năng phát hiện, mở rộng khu vực kiểm tra vào ngày 14-7 thì tìm thấy thêm cây rừng bị đầu độc. Lúc này cây đã bị vàng úa, khó cứu chữa, còn thủ phạm đến nay vẫn chưa xác định.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu lãnh đạo huyện Bảo Lâm tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND 2 xã Lộc Phú và Lộc Ngãi; chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, xác định đối tượng đầu độc rừng thông.

Về cách cứu chữa thông ba lá bị đầu độc, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào tháng 6-2023, tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) cũng xảy ra vụ việc 67 cây thông bị khoan lỗ, đổ hóa chất. Thời điểm phát hiện, 50 cây thông lá đã úa vàng, chết khô hoàn toàn; 17 cây có hơn một nửa cành lá vàng khô, số cành lá còn lại vẫn xanh.

Nếu việc cây bị đổ hóa chất được phát hiện sớm thì khả năng cứu cây sẽ cao hơn.

Nếu việc cây bị đổ hóa chất được phát hiện sớm thì khả năng cứu cây sẽ cao hơn.

Theo kinh nghiệm từ một số vụ thông ba lá bị "đầu độc", Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim bơm nhớt vào vết khoan 5 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày để rửa trôi hóa chất.

Từ ngày 16 đến ngày 28-6, đơn vị quản lý rừng đã 5 lần khoan phá lớp nhựa và bơm nhớt vào gốc, thân 17 cây thông nêu trên. Đến ngày 20-7, số tán lá còn xanh của 17 cây thông không bị vàng thêm, vẫn xanh tốt như lúc được phát hiện, cây có thể cứu chữa được.

Theo một số chuyên gia rừng thông, nếu thời điểm cây bị đầu độc phát hiện sớm thì việc dùng nhớt rửa trôi hóa chất để cứu cây có thể thực hiện được. Nếu phát hiện quá muộn, hóa chất đã ngấm sâu, cành lá đã úa vàng gần hết thì khả năng cây chết rất cao.

Trường Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/hang-loat-cay-thong-ba-la-bi-dau-doc-o-lam-dong-20230722120639288.htm