Hàng loạt địa phương sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ bị ngập sâu

Nhằm ứng phó với bão số 3, các địa phương Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng đã lên các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.

Đặc khu Cô Tô kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. (Ảnh: TTXVN phát)

Đặc khu Cô Tô kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhằm ứng phó với bão số 3, các địa phương Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng đã lên các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, du khách trước diễn biến phức tạp của thời tiết.

Thanh Hóa sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi an toàn

Khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 08/CĐ-UBND yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, chủ động triển khai ngay phương án sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là ở cửa sông, ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các nhà yếu không đảm bảo an toàn.

Đồng thời kiểm tra, rà soát, gia cố, bảo vệ an toàn các công trình trọng yếu, nhất là các hồ đập thủy lợi, đê điều, công trình công cộng, công trình đang thi công dở dang, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông, giao thông, bảo đảm vận hành an toàn, liên tục trong thời gian bão, lũ.

Tính đến chiều 21/7, khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn có khoảng 4.000 du khách đang lưu trú. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn 2 phường Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn đã khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho du khách.

Hiện tất cả các khu vực đã được gia cố, đảm bảo hệ thống điện nước, sẵn sàng vận hành và hỗ trợ trong mọi tình huống. Trước tình hình thời tiết bất khả kháng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Thanh Hóa cũng đã linh hoạt trong việc điều chỉnh, hoãn hoặc hủy dịch vụ cho du khách có nhu cầu mà không phát sinh chi phí.

Trong ngày 21/7, xã biên giới Na Mèo đã dựng lán tạm, sẵn sàng phương án di dân đến nơi an toàn trong tình huống sạt lở. Tình trạng sạt lở đã đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của toàn bộ 55 hộ dân với 220 nhân khẩu sinh sống tại bản.

Tại xã Trung Hạ đã xây dựng phương án, tổ chức di dời khẩn cấp 39 hộ dân với 168 khẩu sinh sống dọc đồi thấp ven sông Lò và các khe, suối ở bản Muỗng ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hải Phòng di dời dân khỏi các chung cư cũ nguy hiểm

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hải Phòng, đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã hoàn thành cơ bản việc di dời người dân khỏi các chung cư cũ nguy hiểm trên toàn thành phố để phòng, chống bão số 3 WIPHA.

Hải Phòng hiện có 78 chung cư, trong đó có 34 chung cư không còn người ở. Tại phường Lê Chân có 4 chung cư cũ nguy hiểm, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ người dân đến nơi ở mới an toàn Phường đã bố trí một số trường học trên địa bàn để đảm bảo cho người dân có điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong thời gian chống bão.

Trường Trung học Cơ sở Tô Hiệu, phường Lê Chân là một trong 4 điểm tạm trú của người dân để phòng, chống bão số 3. Nhà trường đã chủ động bố trí kinh phí để mua tặng nhân dân một số đồ thiết yếu như bánh mì, mì tôm, chuẩn bị đèn tích điện, nến. Các hộ dân được sử dụng điều hòa của nhà trường trong thời gian lưu trú tránh bão.

Đặc khu Cô Tô kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước khi bão đổ bộ

Bí thư Đảng bộ Đặc khu Cô Tô (Quảng Ninh) Lê Ngọc Hân khẳng định, đặc khu Cô Tô kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối trước bão số 3 (WIPHA).

Lực lượng chức năng của đặc khu Cô Tô kiên quyết tổ chức di dời dân bắt buộc theo phương án đã chuẩn bị từ trước, bảo đảm an toàn cho người dân là ưu tiên cao nhất, không để người dân quay trở lại nơi nguy hiểm khi chưa đảm bảo an toàn.

Các hộ dân được bố trí ăn nghỉ miễn phí tại các nhà dân và các homestay trong thời gian bão đổ bộ. Chị Lê Thị Trang - chủ homestay Thanh Lân chia sẻ, khi nghe tin bão sẽ vào vùng biển đặc khu Cô Tô, homestay gia đình có 10 phòng, gia đình chị đã thông báo cho cán bộ thôn để đăng ký hỗ trợ người dân dưới bè lên tránh trú bão đảm bảo an toàn. Tại homestay, gia đình chị Trang đã bố trí phòng và nấu ăn miễn phí, động viên người dân yên tâm trú bão.

Các trường mầm non tại Hưng Yên không tổ chức đón trẻ từ ngày 22/7

Ngày 21/7, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên Hà Thị Thu Phương cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (tên quốc tế là WIPHA), trong đó Hưng Yên là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em, cán bộ, giáo viên, người lao động, từ ngày mai (22/7) tỉnh không tổ chức đón trẻ đến các cơ sở giáo dục Mầm non cho đến khi bão tan và tình hình an toàn trở lại.

Các trường học thiết lập kênh thông tin với phụ huynh để quản lý học sinh, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do thiên tai xảy ra với học sinh; có phương án và kịp thời di dời hồ sơ, tài liệu, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn; không tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè tại các nơi có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng; có giải pháp kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra; dọn dẹp trường/lớp học ngay sau khi mưa bão kết thúc, bảo đảm vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh.

Đồng thời cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý khắc phục, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 496 trường mầm non với 7.046 nhóm lớp, nhóm trẻ với trên 164.000 trẻ; 719 trường phổ thông với 7.488 lớp tiểu học, 5.092 lớp trung học cơ sở, 2.465 lớp trung học phổ thông với trên 568.000 học sinh. Ngoài ra, trên địa bàn có 52 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

 Một trong những địa điểm để sơ tán người dân đến tránh trú bão tại Ninh Bình. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Một trong những địa điểm để sơ tán người dân đến tránh trú bão tại Ninh Bình. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Các khu du lịch tỉnh Ninh Bình ứng phó với bão số 3

Để ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương triển khai các phương án nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra.

Tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, phường Nam Hoa Lư, từ chiều 21/7, khu du lịch đã ra thông báo tạm dừng đón khách cho đến khi có thông báo mới. Hệ thống nhà chờ, bến bãi được gia cố bằng nhiều bao cát, dây neo. Hơn 1.400 thuyền đã được kiểm tra, bảo trì, neo đậu về nơi an toàn.

Theo ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Sở đã ban hành công văn, yêu cầu các khu, điểm du lịch chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ tại các điểm trọng yếu; lắp đặt đầy đủ biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm; tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp cho nhân viên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong mọi tình huống.

Đặc biệt tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa tại tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kể từ 13 giờ ngày 21/7 cho đến khi có thông báo mới.

Sở Du lịch cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các xã, phường phối hợp với các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú triển khai phương án phòng, chống bão, đảm bảo an toàn cho du khách; theo dõi thời tiết, kịp thời chỉ đạo dừng hoạt động du lịch khi cần thiết; hỗ trợ tuyên truyền, kiểm tra an toàn và sẵn sàng lực lượng phối hợp cứu hộ, xử lý sự cố do bão, mưa lũ gây ra…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hang-loat-dia-phuong-so-tan-nguoi-dan-o-khu-vuc-co-nguy-co-bi-ngap-sau-post1050931.vnp