Hàng loạt doanh nghiệp 'xâu xé' san lấp hồ Đại Lải xây biệt thự, sân golf
Theo cáo báo của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, hiện có 4 'ông lớn' đang được tỉnh Vĩnh Phúc cho phép san lấp hồ Đại Lải để xây dựng khu sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng.
Liên quan đến việc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) phản ánh, hiện nay, hồ Đại Lải, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc đang bị doanh nghiệp "xẻ thịt", san lấp để xây biệt thự, ngày 3/7, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã có báo cáo gửi Tổng cục về các hoạt động trong phạm vi hồ.
Theo báo cáo này, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã và đang san lấp hồ Đại Lải để làm du lịch sinh thái, xây biệt thự nhà vườn để kinh doanh.
Cụ thể, với Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải của Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải, số liệu tính toán theo đường đồng mức bản vẽ san nền có tổng diện tích hơn 100ha. Trong tổng diện tích này, có 50,91ha nằm trong vùng phụ cận của hồ; 53,3ha nằm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ Đại Lải; diện tích nằm trong lòng hồ Đại Lải là 18,94ha.
Hiện nay, Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải đang thực hiện các hoạt động không phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi gồm: Xây dựng bến bãi neo đậu tàu thuyền (qua kiểm tra có 4 bãi neo đậu chưa được cấp phép), hoạt động kinh doanh vui chơi giải trí (bãi tắm, du thuyền…). Dự án này có tổng diện tích 6,71ha đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chưa có giấy phép.
Đối với dự án Khu du lịch Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến, hoạt động xâm phạm diễn ra nghiêm trọng hơn. Cụ thể, công ty này được giao 3,708ha nhưng doanh nghiệp đã tự ý xây tường rào, quây đất với tổng diện tích 5,26ha. Doanh nghiệp này đã tự ý đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất chiếm hồ, làm đường dạo…
Phần đất mà doanh nghiệp này đổ đất lấp lòng hồ là 2,05ha, trong đó phần đất doanh nghiệp tự ý chiếm là 1,549ha. Trong suốt quá trình triển khai, dự án này chưa được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, giấy phép làm bến bãi, giấy phép kinh doanh dịch du lịch trên hồ, giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi.
Báo cáo cũng cho thấy, dự án khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải - Paradise Đại Lải Resort của Công ty CP đầu tư và thương mại Nhật Hằng (Công ty Nhật Hằng) có diện tích được cấp phép hoạt động trong lòng hồ Đại Lải và vùng bán ngập lên tới 30,1ha.
Quá trình kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng phát hiện Công ty Nhật Hằng đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha. Công ty này cũng không có giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Còn Dự án sân golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam nằm hoàn toàn trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải.
Cụ thể, dự án này có 75,97ha nằm trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước. Đáng chú ý, có tới 45,67ha nằm ở dưới cao độ mực nước dâng bình thường 21,5m; nằm hoàn toàn trong lòng hồ Đại Lải.
Ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Trong kết luận kiểm tra 253/KL-TCTL-PCTTr ngày 20/2/2020, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ rõ những sai phạm của 4 doanh nghiệp nói trên trong việc xâm phạm công trình thủy lợi hồ Đại Lải, đồng thời đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay vẫn chưa có biến chuyển”.
Theo đó, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến ngày 30/6/2020, tỉnh Vĩnh Phúc mới có thông báo tới các doanh nghiệp đang hoạt động trong lòng hồ tạm dừng các hoạt động thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải từ cote 23m trở xuống và chưa lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp vi phạm.