Hàng loạt dự án nguồn và lưới điện chậm tiến độ nhiều năm, ai phải chịu trách nhiệm?

Doanh nghiệp châu Âu bày tỏ nỗi lo thiếu điện có khả năng xảy ra chu kỳ. Đây cũng là mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như người dân cả nước về việc làm thế nào để không thiếu điện trong năm sau và những năm tiếp theo. Bởi, hàng loạt dự án nguồn điện và lưới truyền tải điện vẫn chậm tiến độ nhiều năm, trong khi xử lý trách nhiệm của các bên chưa rõ.

Kết luận thanh tra về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu điện trong thời gian qua: vận hành thủy điện chưa sát thực tế; một số nhà máy nhiệt điện than gặp sự cố, thiếu than cục bộ…. Và việc các nguồn điện chậm trễ đầu tư, xây dựng cũng là một trong những lý do quan trọng khiến miền Bắc thiếu điện như vừa qua.

Giảm khả năng cấp điện giai đoạn 2023-2025

Theo Kết luận thanh tra, từ ngày 1/1/2021 - 1/6/2023, EVN và các đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 13 dự án nguồn điện, tổng công suất 8.973 MW. Tính đến thời điểm thanh tra, EVN thực hiện đầu tư Dự án Quảng Trạch I chậm tiến độ 3 năm.

Nhiều dự án nguồn và lưới truyền tải điện bị chậm tiến độ nhiều năm ròng rã.

Nhiều dự án nguồn và lưới truyền tải điện bị chậm tiến độ nhiều năm ròng rã.

Với dự án Ô Môn III, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm thanh tra, Dự án Ô Môn III vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dự án vay vốn ODA của Nhật Bản. EVN đang tiến hành công tác bàn giao Dự án Ô Môn III sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Với dự án Ô Môn IV (dự kiến đưa vào vận hành năm 2021), EVN đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do tiến độ cấp khí của mỏ khí Lô B bị chậm tiến độ nên Dự án bị chậm tiến độ theo Quy hoạch VII điều chỉnh và Quyết định phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ khí Lô B của Thủ tướng Chính phủ…

Đối với dự án thủy điện, Kết luận thanh tra cho biết, Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng có công suất 360 MW, gồm 2 tổ máy, dự kiến đưa vào vận hành năm 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN, tháng 6/2021, dự án mới được khởi công, hiện nay đang thi công theo tiến độ trong Thiết kế kỹ thuật được chủ đầu tư duyệt và dự kiến phát điện năm 2024. Như vậy, Dự án sẽ chậm tiến độ khoảng 45 tháng so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chậm khoảng 12 tháng đến 24 tháng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt…

Dự án thủy điện tích năng Bác Ái chậm tiến độ phát điện tổ máy đầu tiên khoảng 6 năm và chậm phát điện tổ máy số 4 khoảng 5 năm so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh…

Cùng với đó, Kết luận thanh tra cũng chỉ ra, nhiều dự án, công trình truyền tải điện (220-500kV) do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đầu tư thực hiện chậm tiến độ, trong đó có: Đường dây 500 kV mạch 3, các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, các công trình phục vụ giải tỏa công suất thủy điện phía Bắc, phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo, các dự án Đường dây 220 kV: Nghĩa Lộ - Trạm 500 kV Việt Trì, Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Nha Trang - Tháp Chàm,...

“Việc thực hiện đầu tư của EVN và EVNNPT chưa đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được duyệt. Việc chậm tiến độ các dự án lưới điện truyền tải (đường dây và trạm biến áp) làm giảm độ an toàn, tin cậy và khả năng cung cấp điện hiện tại cũng như các năm giai đoạn 2023-2025”, Kết luận thanh tra cho biết.

Các dự án đầu tư xây dựng lưới điện 110kV tại Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Tp.HCM (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng đều chậm so với kế hoạch.

“Như vậy, việc thực hiện đầu tư của các Tổng công ty điện lực đều không đạt và thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao, làm giảm độ an toàn, tin cậy cung cấp điện hiện tại cũng như các năm giai đoạn 2023-2025”, Kết luận thanh tra nêu.

Chưa rõ trách nhiệm, phương án xử lý

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các đơn vị liên quan cần nghiêm túc tuân thủ tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển lưới điện các địa phương, tránh việc chậm tiến độ gây ảnh hưởng tới an toàn, độ tin cậy cung cấp điện.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt đảm bảo giải tỏa công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải. Phối hợp chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án lưới điện trọng điểm của EVNNPT.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm: Bộ Công Thương cần làm rõ trách nhiệm hơn nữa về việc chậm đầu tư, hoàn thiện một số dự án nguồn và lưới điện, bởi hiện nay, miền Trung và Nam không thiếu điện, thậm chí là thừa điện, nhưng miền Bắc lại thiếu điện – nơi tập trung phần lớn cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, “nếu chỉ kiểm điểm EVN và các đơn vị liên quan cung ứng điện thì năm 2024 có khắc phục được tình trạng thiếu điện hay không?”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu vấn đề và cho rằng cần phải có thanh tra cấp cao hơn, vì thanh tra Bộ Công Thương chỉ trong phạm vi quyền hạn nhất định. Vấn đề cung ứng điện liên quan đến các dự án nguồn và lưới điện chậm triển khai, có nhiều vướng mắc là nội dung lớn liên quan trách nhiệm nhiều đơn vị, bộ ngành.

Trước tình trạng nhiều dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch điện bị chậm tiến độ, dang dở, không hoàn thành, thậm chí là “dậm chân tại chỗ”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng, cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa là hệ thống của chúng ta không hành động - đây là nguyên nhân cốt lõi.

“Tôi cho rằng phải nhìn được nguyên nhân sâu xa, từ đây mới thấy rằng, nếu như không ưu đãi ở miền Bắc, nhà đầu tư đầu tư điện tái tạo ở miền Nam cũng là hợp lý, nhưng phải làm sao chuyển được điện ra miền Bắc, song chúng ta cũng không làm được điều này. Nguyên nhân vì sao cần phải được mổ xẻ sâu hơn, nếu không mổ xẻ sâu hơn được thì sẽ còn thiếu điện”, ông Cung nói.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung lưu ý, trong kinh tế thị trường, làm sao nhìn thấy thiếu hụt là cơ hội kinh doanh chứ không phải là nút thắt kìm hãm sự phát triển. Để giải quyết thách thức thiếu điện thì cần tạo lập hệ thống chính sách ổn định, hấp dẫn để huy động nguồn lực tư nhân vào đầu tư phát triển ngành điện.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/hang-loat-du-an-nguon-va-luoi-dien-cham-tien-do-nhieu-nam-ai-phai-chiu-trach-nhiem-1093882.html