Hàng loạt hàng hóa Việt bị tranh chấp nhãn hiệu ở nước ngoài
Lừa đảo thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, song hành với hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phan Thiết… bị tranh chấp ở nước ngoài.
Năm ngoái, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam bị mất chứng từ gốc khi xuất khẩu sang Italia của 76 container. Vụ việc may mắn được giải quyết ổn thỏa, song đây là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại quốc tế.
Theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, trên toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Trong đó, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài chiếm khoảng 43%; từ nội bộ 31%; thông đồng giữa trong và ngoài chiếm 26%...
Ông Trần Thanh Quyết- Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICHAM) cho hay, thiếu kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp trong thương mại quốc tế là một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam.
“Rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hóa kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với đối tác và hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp; chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại”- đại diện ICHAM nói.
Không chỉ gặp rủi ro về thanh toán, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp nhãn hiệu ở nước ngoài, như vụ việc tranh chấp thương hiệu gạo ST25 vừa qua hay cà phê Trung Nguyên đã bị một công ty tại Mỹ đăng ký trước; Nước mắm Phan Thiết đã bị một công ty ở Mỹ đăng ký thương hiệu từ năm 1999;
Thương hiệu thuốc lá Vinataba Việt Nam đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước trong ASEAN…
Theo bà Đàm Việt Anh- Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn 911, có 6 rủi ro cơ bản trong giao thương quốc tế mà doanh nghiệp cần phải nhận diện, đó là tiền tệ, chính sách pháp luật, vận chuyển và thời gian giao hàng, chất lượng và độ tin cậy của hàng hóa, khả năng thanh toán và ngôn ngữ.
Đối với rủi ro thanh toán, bà Đàm Việt Anh khuyến cáo, khi giao thương quốc tế, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường, xây dựng mối quan hệ với đối tác, đàm phán, thương thảo hợp đồng, đối phó với rủi ro tín dụng, kiểm soát chi phí, cần theo dõi và đánh giá cụ thể, cùng với đó sử dụng các công cụ bảo hiểm.
Ông Trần Thanh Quyết cũng cho rằng, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cẩn trọng thanh toán quốc tế trong đó lưu ý phương thức D/P, cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp lý; Có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan Thương vụ, Phòng Thương mại và các tổ chức hỗ trợ khác.
Để phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI), Chủ tịch Công ty CP Goldstadt Việt Nam Nguyễn Công Cường chia sẻ, bên cạnh những giải pháp trên, các doanh nghiệp cần dựa vào các doanh nghiệp đi trước.