Hàng loạt kỹ thuật mới trợ giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn
Nhờ kỹ thuật hiện đại mà nhiều cặp đôi hiếm muộn, vô sinh tìm được niềm hạnh phúc được 'làm cha, làm mẹ' sau nhiều năm trông ngóng...
Vỡ òa hạnh phúc ca sinh 3 sau nhiều năm hiếm muộn
Ngày được đón một lúc 3 bé (2 gái, 1 trai) chào đời với anh Trần Hoàng Điệp 32 tuổi, chị Phạm Thị Dịu 31 tuổi (ở Hưng Yên) đó là thời khắc hạnh phúc trọn vẹn sau 5 năm tìm kiếm. Anh Điệp và chị Dịu kết hôn vào năm 2013 nhưng mãi chưa thấy tin vui. Quá sốt ruột, 2 vợ chồng đến khám ở BV Phụ sản T.Ư và BV Bưu Điện, kết luận hiếm muộn không rõ nguyên nhân. Năm 2017, vợ chồng anh chị tiếp tục tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn kiểm tra có cùng kết quả nên đã quyết định thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). May mắn, lần đầu chuyển phôi có 3 phôi khỏe mạnh. Vợ chồng xem đó là cái duyên. Sau hơn 9 tháng mang bầu vất vả, các cháu chào đời khỏe mạnh, 2 bé gái sinh 2,3kg, còn bé trai gần 2,2kg. Hiện tại, cả 3 bé đều khỏe mạnh, bụ bẫm, mẹ đủ sữa nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Ôm cô con gái giờ đã 11 tháng trong vòng tay, với vợ chồng anh Trần Xuân Chính (ở Yên Bái) xúc động chia sẻ: “Đây là món quà vô giá, điều mà chúng tôi hoài mong suốt nhiều năm sau khi lập gia đình”. Lấy nhau khi cả 2 ở độ tuổi 20, 22. Vợ chồng chị cũng từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ hạnh phúc, đến hụt hẫng đau khổ khi người con đầu tiên không may vắn số khi mới được 1 tháng 21 ngày. Sau thời gian lâu không thấy có tín hiệu vui, đi khám vợ anh Chính được kết luận bị tắc vòi trứng. Cùng từ đó, hai vợ chồng chạy chữa khắp nơi, từ đông, tây y đến tâm linh, vợ chồng chị đều thử cả nhưng không có kết quả. Mất vài năm ròng rã không hi vọng, 2 vợ chồng cũng từng chán nản, không chạy chữa nữa.
Đến năm 2017, hai vợ chồng lại tìm đến BV Nam học và Hiếm muộn nhờ hỗ trợ TTTON để hiện thực mong muốn có con. Tuy nhiên, làm lần đầu không thành công. Không nản vợ chồng anh chị lại TTTON lần 2 chỉ sau 2 tuần khi lần đầu thất bại. Kết quả được 6 phôi, đặt 3 phôi, còn 3 phôi trữ lại.
Anh Chính chia sẻ: “Trong suốt ngần ấy năm, giữa 2 vợ chồng cũng từng nảy sinh mâu thuẫn. Thỉnh thoảng ra ngoài gặp bạn bè, anh vẫn hay bị bạn bè “khích” là lấy vợ hai. Nhưng 2 vợ chồng vẫn quyết đồng hành cùng nhau và có được đứa con như hôm nay. Anh chị cũng từng vay mượn khắp nơi để theo đuổi quá trình tìm kiếm đứa con mơ ước này, ước chừng đã tốn khoảng 300 triệu đồng . May mắn đã đến và 2 vợ chồng đang có kế hoạch khi con tròn 2 tuổi sẽ đến bệnh viện chuyển phôi lần nữa”.
Kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam
Hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới thực hiện như: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA), lấy tinh trùng từ vi phẫu tinh hoàn (Micro TESE), đông phôi theo phương pháp thủy tinh hóa, hỗ trợ phôi thoát màng, chuyển phôi đông lạnh... đến nay đều đã được áp dụng tại Việt Nam.
“
Một chu kỳ điều trị IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) kéo dài khoảng 1 tháng (nếu chuyển phôi tươi), hoặc 2-3 tháng, thậm chí dài hơn tùy theo tình trạng cụ thể của từng người. Tuy vậy, chúng tôi vẫn muốn nhắn nhủ tới các cặp vợ chồng rằng, trong hành trình điều trị hiếm muộn, tâm lý, tư tưởng của người bệnh mới là yếu tố quan trọng, quyết định nhiều đến khả năng thành công.
Ths.BS. Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn
”
BSCK.II Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn chia sẻ: “Tiếp nhận hàng chục nghìn ca đến khám và điều trị trong nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc chúng tôi chứng kiến, lắng nghe hàng chục nghìn câu chuyện, nỗi niềm khác nhau từ người hiếm muộn. Riêng với những người phải nhờ đến kỹ thuật TTTON để có con thì câu chuyện của họ có phần đặc biệt và nhiều nỗi niềm hơn. Hiện nay, dù tỷ lệ thành công khi thực hiện TTTON tại bệnh viện là khá cao, từ 50-60%”.
Ths. Bs. Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học, BV Nam học và Hiếm muộn cho biết, theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân. Như vậy, tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau. Tuy nhiên, trước đây, vì nhiều lý do, quan niệm cho rằng vô sinh thường xuất phát từ nữ giới. Ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới được tìm ra và có thể chữa trị được. Ứng với mỗi nguyên nhân đều có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
Đối với trường hợp vô sinh ở nhóm có tinh trùng thì việc điều trị hướng đến mục đích làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng bằng cách dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc phẫu thuật ngoại khoa. Riêng nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam.
“Việc xác định nguyên nhân vô sinh càng sớm thì sẽ có phương pháp điều trị hiệu quả càng cao. Đối với trường hợp vô tinh bị tắc hoặc không có đường dẫn, phải dùng phương pháp mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Còn trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để tóm từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ”, BS. Việt cho biết.