Hàng loạt mỏ khoáng sản ở Thanh Hóa chưa lắp cân tải trọng
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 353 mỏ khoáng sản được cấp phép nhưng chỉ có 47 mỏ lắp trạm cân tải trọng, camera giám sát.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 353 mỏ khoáng sản được cấp phép hoạt động nhưng chỉ có số ít các mỏ lắp đặt trạm cân tải trọng, camera giám sát. Việc này gây khó trong công tác quản lý khoáng sản và kiểm soát tải trọng phương tiện chở quá tải lưu thông trên đường.
“Chậm” lắp đặt camera và trạm cân tải trọng
Tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khoáng sản có nêu rõ: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại các vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp camera giám sát tại các kho để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Việc ban hành luật trên là vậy nhưng tìm hiểu thực tế ở tỉnh Thanh Hóa có hàng trăm mỏ đất, cát, đá (mỏ khoáng sản, VLXD) vẫn chưa được lắp đặt hệ thống trạm cân tải trọng, camera giám sát. Từ việc này, khiến tài nguyên khoáng sản được khai thác khó có thể kiểm soát. Đặc biệt có dấu hiệu “tiếp tay” cho xe chở quá tải, quá khổ lưu thông trên đường.
Đơn cử như tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) có nhiều mỏ được tỉnh Thanh Hóa cấp phép hoạt động khai thác đất san lấp. Hàng ngày có nhiều phương tiện ra vào lấy đất san lấp, chở quá tải khi lưu thông trên đường. Thế nhưng hầu hết những mỏ này đều không có trạm cân tải trọng theo quy định.
Khoanh vùng tại Thanh Hóa cho thấy các mỏ khoáng sản chủ yếu tập trung ở các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định…
Ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong số 353 mỏ được cấp phép (15 mỏ do Bộ TN&MT cấp và 338 mỏ do tỉnh Thanh Hóa cấp) thì thống kê đã có 47 mỏ đã lắp đặt trạm cân, camera; 15 mỏ đang tiến hành lắp đặt (đang thi công phần móng) còn lại 239 mỏ chưa lắp. Ngoài ra, trong số 239 mỏ chưa lắp thì có tới 52 mỏ không đủ điều kiện lắp đặt trạm cân tải trọng.
Liên quan đến vấn đề tại sao Luật quy định rõ ràng nhưng đến nay việc lắp đặt mới thực hiện thì ông Hùng cho rằng: Đối với 239 mỏ chưa lắp đặt tại vị trí đưa khoáng sản tài nguyên khai thác ra khỏi khu vực khai thác thì theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, tại thông báo số 88/TB-UBND ngày 2/5/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu: Trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định lắp đặt trạm cân tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Do đó đến nay chưa phát hiện xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với 239 mỏ.
“Mặt khác, do giai đoạn từ năm 2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, trong khi đó kinh phí lắp đặt trạm cân đủ tiêu chuẩn từ 300-500 triệu đồng. Do đó nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa hoàn thành việc lắp đặt trạm cân theo quy định”, ông Hùng cho biết thêm
Cũng theo ông Hùng, ngày 24/4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu thực hiện lắp trạm cân tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các chủ mỏ hoàn thành việc lắp đặt trạm cân tại khu vực mỏ trong quý II/2022. Hiện nay, Sở TT&MT cũng đã yêu cầu các chủ mỏ thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đối với 52 mỏ khoáng sản không đủ điều kiện lắp đặt trạm cân do nhiều yếu tố như: Mới được cấp phép chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chưa đi vào hoạt động; mỏ sắp hết hạn (còn 0,5-2 tháng); mỏ cát nhỏ lẻ ở các huyện miền núi có quy mô, diện tích, trữ lượng nhỏ không có bãi tập kết cát nên không phải lắp trạm cân.
Xem xét đình chỉ hoặc rút giấy phép đối với doanh nghiệp vi phạm
Liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hồi tháng 3/2022, sau khi làm việc với các ngành liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 17458/UBND-CN ngày 4/11/2021 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại các mỏ tài nguyên khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Đề xuất phương án xử lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nếu trong quý I/2022 doanh nghiệp nào không hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát thì kể từ sau ngày 15/4 sẽ xem xét xử lý vi phạm hành chính, đình chỉ có thời hạn hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Ngoài ra, trong quá trình tham mưu cấp phép khai thác mỏ cần lấy ý kiến của Sở GTVT về tổ chức phương án giao thông đảm bảo việc khai thác mỏ, vận chuyển không ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân, an ninh trật tự.
Sau khi có thống kê số lượng mỏ, vị trí lắp đặt các trạm cân tải trọng, dựa trên tình hình thực tế, Sở TN&MT đã có báo cáo và xin gia hạn thời gian trong quý II/2022 để các doanh nghiệp lắp đặt theo cam kết. Hết thời gan trên, nếu đơn vị nào chưa lắp hoặc cố tình không lắp sẽ xử phạt và tham mưu cho UBND tỉnh đình chỉ hoặc rút giấy phép khai thác khoáng sản.
Tìm hiểu được biết, trước đó, năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 25 về việc tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa tham mưu cho UBND biện pháp xử lý, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thường xuyên vi phạm quy định xếp hàng hóa quá tải trọng.
Trên cơ sở này, Sở TN&MT Thanh Hóa cũng đã ban hành công văn số 3958/STNMT-TNKS ngày 17/9/2014 đề nghị Sở GTVT và Công an tỉnh thông báo ngay bằng văn bản về Sở TN&MT đối với những đơn vị chở hàng vượt quá tải trọng để xử lý. Tuy nhiên, đến nay Sở này vẫn chưa nhận được thông báo từ hai đơn vị nói trên.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Ngọc Minh - Chánh Thanh tra Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Đúng thực tế hiện nay có rất nhiều mỏ khoáng sản, mỏ VLXD chưa tiến hành lắp đặt trạm cân tải trọng, camera giám sát theo Nghị định 158. Đối với phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng (đất, đá, cát) hầu hết không xác định được nguồn hàng từ đâu nên khó xác định của đơn vị, công ty nào để làm căn cứ ban hành văn bản để gửi Sở TN&MT. Lực lượng TTGT chỉ kiểm soát trên đường và khu vực gần đầu nguồn hàng. Nếu phương tiện nào vi phạm quá tải cầu đường thì sẽ xử lý theo quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Đại tá Lê Văn Chiến - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đối với văn bản của Sở TN&MT từ năm 2014 thì chúng tôi chưa thấy. Riêng về lắp đặt trạm cân tải trọng, camera giám sát trong các khu vực mỏ thì mãi năm 2016 mới có hiệu lực. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên tỉnh về việc lắp đặt trạm cân tại các mỏ để giảm thiểu các phương tiện chở hàng vượt quá tải trọng ra ngoài đường nhưng đến nay rất ít các mỏ lắp đặt.