Tại phòng trưng bày có hơn 500 sản phẩm thuộc các lĩnh vực như: hóa - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; trái cây; sữa các loại; thời trang; giày dép, trang sức; phụ tùng ô tô, xe máy; hàng tiêu dùng, nông sản… thuộc các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam.
Chùm ảnh các mặt hàng thật - giả, phóng viên ghi nhận:
Cận cảnh sữa tiểu đường hàng thật (trái) được nhập khẩu chính ngạch và hàng giả (phải) được sản xuất trong nước. Bằng mắt thường có thể nhận thấy một số điểm bất hợp lý so với hàng được bảo hộ là thân hộp sữa giả nhãn hiệu Glucerna cao hơn sản phẩm được bảo hộ, nắp hộp màu trắng, chữ đổ bóng vàng...
Sữa Abbott Grow được bảo hộ tại Việt Nam (trái) và sản phẩm được sản xuất trong nước chưa đăng ký bảo vệ nhãn hiệu.
Sữa PediaSure nhập khẩu chính ngạch (phải) và sản phẩm giả mạo nhãn hiệu (trái). Hộp sản phẩm giả nhãn hiệu cao hơn và tên nhãn hiệu viết cách, thay vì viết liền như sản phẩm bên cạnh.
Sản phẩm Ensure Gold nhập khẩu chính ngạch (phải) và sản phẩm nhái nhãn hiệu (trái). Có lẽ, nếu không đặt cạnh hai sản phẩm này song song, khó có thể nhận ra được sản phẩm thật - giả bằng mắt thường.
Phần nắp hộp sản phẩm Ensure Gold nhái (trái) và sản phẩm nhập khẩu chính ngạch (phải) có những điểm khác biệt rõ rệt.
Táo đỏ là loại nông sản không thể thiếu đối với chị em phụ nữ trong dưỡng nhan, làm đẹp, nhưng có lẽ ít ai có thể phân biệt sản phẩm thật - giả nếu không có bức hình này. Theo đó, đơn vị nhập khẩu táo đỏ Hàn Quốc duy nhất tại Việt Nam hiện nay là Công ty TNHH TM Organic Farm và hàng được nhập khẩu chính ngạch, được bảo hộ nhãn hiệu được đóng túi có trọng lượng chỉ 500 gram.
2 loại táo đỏ này được rao bán rất nhiều ở Việt Nam nhưng thực tế đều là hàng giả nhãn hiệu, thường được các tiểu thương nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ.
Bằng mắt thường, những quả tươi mọng này khoác lên mình tem mác có mã QR code, không ít người tiêu dùng tin rằng đây là lê Hàn Quốc "xịn". Tuy nhiên, thực tế, đây là sản phẩm lê không rõ nguồn gốc xuất xứ, được "gắn" xuất xứ Hàn Quốc.
Sản phẩm lê Hàn Quốc nhập khẩu chính ngạch, được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam có tem Kpear mang nhiều sắc cầu vồng và quét mã QR code cho ra website giới thiệu về lê Hàn Quốc.
Bột giặt omo thật (phải) và sản phẩm giả (trái). Nếu không đặt sản phẩm giả bên cạnh sản phẩm được bảo hộ tại Việt Nam, rất khó nhận biết hàng thật - giả bằng mắt thường.
Cận cảnh kem dưỡng ẩm thật - giả.
Dầu gội biotin&collagen thật (trái) và sản phẩm nhái (phải) có nhiều điểm khác nhau, như màu sắc chữ, nét chữ, tem mác...
Mặt sau của sản phẩm giả (trái) không có tem nhãn phụ, mã vạch đặt nằm ngang và màu sắc chữ là màu trắng. Ngoài ra, mùi của sản phẩm giả rất hắc, trong khi đó, sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu (phải) tỏa mùi thơm dịu.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT mong muốn, khách tham quan chủ động tiếp cận các thông tin, phân biệt, nhận diện sản phẩm từ đó nâng cao kỹ năng, kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Ngày 11/10, trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trên thực tế, ở nước ta không hiếm gặp các nhãn hiệu có tên tuổi bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất.
Đặc biệt, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.
Tổng cục QLTT mong muốn, khách tham quan chủ động tiếp cận các thông tin, phân biệt, nhận diện sản phẩm từ đó nâng cao kỹ năng, kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Bảo Loan