Hàng loạt nước châu Á báo động tỷ lệ sinh thấp, ra kế 'dụ' người trẻ đẻ thêm
Hàng loạt quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Nhiều nước đang tìm mọi cách để khuyến khích phụ nữ sinh con.
Mức sinh ở Việt Nam năm 2023 tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Mức sinh thấp kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng tới an sinh xã hội... Tuy nhiên, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đang tìm đủ cách để khuyến khích phụ nữ sinh con.
Nhật Bản
Theo dữ liệu của chính phủ, chưa đến 800.000 trẻ em sinh ra ở Nhật Bản vào năm 2022, con số thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu kiểm đếm số ca sinh vào năm 1899. Đây là năm thứ 7 tỷ lệ sinh giảm liên tiếp ở quốc gia châu Á.
Tuy vậy, một số vùng của Nhật Bản đang đi ngược lại xu hướng. Đáng chú ý là thành phố Akashi. Các biện pháp tích cực của chính quyền thành phố đã phát huy tác dụng, thu hút được nhiều gia đình trẻ lựa chọn sinh con ở đây.
Tại thành phố Akashi, trẻ em được chăm sóc y tế miễn phí cho đến năm 18 tuổi. Trẻ được ăn trưa miễn phí ở trường cho tới năm 15 tuổi.
Các gia đình có 2 đứa trẻ trở lên được cho con đi học mẫu giáo công miễn phí. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi được nhận tã miễn phí, nữ hộ sinh sẽ giao đến tận nhà. Chuyên gia tư vấn chăm sóc trẻ em hoạt động hiệu quả.
Tất cả đều nhận phần giống nhau, không phân biệt thu nhập.
Nhiều cư dân Akashi cho rằng, thành phố có được thành công như vậy là nhờ ông Fusaho Izumi, người giữ chức thị trưởng từ năm 2011 đến tháng 4/2023.
Ông Izumi đã tăng gấp đôi chi tiêu cho việc chăm sóc trẻ em. "Tôi sinh ra trong một gia đình không mấy giàu có. Em trai tôi bị tàn tật. Tôi luôn mong muốn biến Akashi trở thành một nơi tử tế với những người dễ bị tổn thương", ông chia sẻ.
Hàn Quốc
Hàn Quốc nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số nước này có thể giảm hơn 40% trong vòng 50 năm nữa và một nửa trong số đó trên 65 tuổi. Dự đoán dân số Hàn Quốc năm 2072 sẽ chỉ còn 30,1 triệu người.
Hôm 26/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã yêu cầu quan chức nước này thay đổi cách tiếp cận vấn đề tỷ lệ sinh thấp, đồng thời nhấn mạnh cần tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Seoul có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước. Chính quyền thành phố muốn khuyến khích phụ nữ sinh thêm con bằng cách giải quyết các vấn đề chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tháng 8/2023, chính quyền thành phố công bố rằng họ sẽ bơm thêm 370 triệu USD vào các chương trình hỗ trợ "cha mẹ tương lai".
Chính quyền thành phố cho phép tất cả các cặp vợ chồng đã kết hôn được nhận trợ cấp điều trị hiếm muộn. Trợ cấp tới 2 triệu won cho các bà mẹ tương lai đông lạnh trứng để họ có thể có lựa chọn sinh con khỏe mạnh sau này. Các cặp vợ chồng sinh đôi, sinh ba cũng được đăng ký chương trình bảo hiểm miễn phí dành cho con cái.
Ngoài ra còn có các khoản trợ cấp khuyến khích cha mẹ nghỉ phép, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và chăm sóc sau sinh. Chính quyền Seoul cho biết thêm, 86 "quán cà phê dành cho trẻ em" sẽ được xây dựng trong thành phố.
Chính quyền thành phố Seongnam, gần Seoul, cũng đưa ra một số biện pháp hướng vào người trẻ nhằm tăng tỷ lệ sinh. Thành phố đứng ra tổ chức sự kiện mai mối cho các cặp đôi. Họ chuẩn bị bữa tiệc lớn, có cung cấp dịch vụ trang điểm miễn phí, thậm chí cả kiểm tra lý lịch cho người độc thân. Lee Yu-mi (36 tuổi) cho biết cô phải nộp đơn 3 lần để có được một suất tham dự sự kiện.
Singapore
Tỷ lệ sinh của Singapore ở mức thấp kỷ lục vào năm 2022, sau nhiều năm liên tục giảm. Lý do lớn nhất gây ra tình trạng này là bởi mức sống ở đây quá đắt đỏ, chi phí sinh hoạt cao. Điều này khiến nhiều người không muốn sinh thêm con.
Chính phủ Singapore phải vật lộn để đưa ra các biện pháp hiệu quả trong việc khuyến khích người dân sinh con. Một trong số đó là trao tiền thưởng cho các gia đình sinh con.
Từ năm 2024, khoản tiền thưởng này sẽ được tăng thêm. Các cặp vợ chồng sẽ được nhận khoản tiền 8.000 USD cho con đầu lòng, 10.000 USD cho con thứ 2 và 12.000 USD cho đứa con thứ 3 trở lên.
Từ năm 2024, thời gian nghỉ của các ông chồng khi có vợ sinh con cũng tăng từ 2 lên 4 tuần. Đây là một bước tiến lớn hướng tới việc bình thường hóa chuyện các ông bố đóng vai trò lớn hơn trong việc nuôi dạy con cái. Đồng thời kêu gọi các nhà tuyển dụng và đồng nghiệp giúp đỡ các ông bố yên tâm nghỉ phép, chăm sóc vợ con.
Ngoài ra, nhập cư tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giảm bớt tác động của tình trạng già hóa và tỷ lệ sinh thấp đối với dân số Singapore.