Hàng loạt quy định mới liên quan đến ô tô sắp được ban hành, thực thi

Một số quy định liên quan đến ô tô như: cấp biển số xe theo mã định danh, lắp ghế ngồi và dây an toàn cho trẻ... có thể sớm ban hành, thực hiện.

Phải lắp ghế ngồi, dây đai an toàn dành cho trẻ em

Tại dự thảo Luật Đường bộ quy định “có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô chở người đến 9 chỗ”.

Sắp bắt buộc các quy định tăng cường bảo vệ trẻ em khi ngồi trên ô tô con.

Sắp bắt buộc các quy định tăng cường bảo vệ trẻ em khi ngồi trên ô tô con.

Đây là quy định mới thể hiện tính nhân văn của dự thảo luật trong việc bảo vệ người yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu của người dân trong viêc sử dụng những phương tiện hiện đại, đảm bảo các tính năng về an toàn.

Không chỉ tại dự thảo Luật Đường bộ mà ở dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ cũng quy định, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

Chủ phương tiện có trách nhiệm bảo dưỡng định kỳ

Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng giữa 2 kỳ kiểm định.

Luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng xe định kỳ đối với chủ phương tiện, lái xe.

Luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng xe định kỳ đối với chủ phương tiện, lái xe.

Theo các chuyên gia, việc luật hóa chủ phương tiện, người lái xe chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ sẽ giúp chủ phương tiện, người lái xe có trách nhiệm chủ động trong việc bảo dưỡng phương tiện. Từ đó, nâng cao chất lượng xe, góp phần bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu

Dự thảo Luật Đường bộ cũng bổ sung quy định: Tổ chức, doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về kiểm tra, chứng nhận, thử nghiệm, triệu hồi, kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa do mình thiết kế, sản xuất, nhập khẩu và phải đảm bảo tổ chức thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng cho xe cơ giới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu.

Cấp biển số xe theo mã định danh

Theo Thông tư 24/2023 của Bộ Công an thay thế cho Thông tư 58/2020, từ ngày 15/8, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe.

Theo đó, đối với chủ xe là công dân Việt Nam, biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân. Còn với chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài, do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập, hoặc số thẻ thường trú, tạm trú.

Đối với chủ xe là cơ quan, tổ chức, biển số xe được quản lý theo mã số thuế. Trường hợp không có mã số thuế thì được quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập.

Việc cấp biển số định danh giúp cơ quan quản lý nhà nước tổ chức quản lý nhanh chóng và thuận lợi hơn, giảm nguồn nhân lực, tiết kiệm thời gian và chi phí về lưu trữ, góp phần thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra, cơ quan chức năng không giới hạn số lượng biển số định danh của mỗi người. Trường hợp người dân có phương tiện mới, nếu biển số định danh cũ vẫn được đăng ký cho một xe thuộc sở hữu, thì người dân sẽ được cấp thêm một biển số định danh khác.

Cẩm Tú

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/hang-loat-quy-dinh-moi-lien-quan-den-o-to-sap-duoc-ban-hanh-thuc-thi-d597647.html