Hàng loạt sai phạm tại mỏ cát, sỏi Ngọc Kinh Đông của Công ty Trường Lợi

Theo UBND huyện Đại Lộc, qua công tác kiểm tra tại một số đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện nói chung và Cty Trường Lợi nói riêng đang tồn tại một thực trạng gây khó khăn trong công tác quản lý, đó là đa số các đơn vị này không lưu trữ dữ liệu camera giám sát trạm cân theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

+ Kỳ cuối: Tái diễn vi phạm sẽ đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép

Mỏ cát Pha Lê hoạt động rầm rộ như đại công trường, trong khi theo giấy phép chỉ được sử dụng 1 sà lan, 1 tàu hút và 1 máy xúc cát.

Mỏ cát Pha Lê hoạt động rầm rộ như đại công trường, trong khi theo giấy phép chỉ được sử dụng 1 sà lan, 1 tàu hút và 1 máy xúc cát.

Lỗi do… thời tiết!

Lý giải vấn đề trên, chủ mỏ cát, sỏi Ngọc Kinh Đông cho rằng: thời tiết thường có mưa giông xảy ra trên địa bàn nên dẫn đến gió lốc, sấm sét hay đánh tại khu vực này làm chập cháy dây điện, cáp tín hiệu. Vì vậy, để bảo vệ thiết bị và an toàn cho nhân viên nên tại các thời điểm này công ty có ngắt nguồn điện để tránh thiệt hại về người và thiết bị(!?)

Còn việc xe không đi qua trạm cân, ông Hồ Hoàng Phúc- Giám đốc Cty Trường Lợi cho rằng, các thiết bị như: Loadcell cảm biến tải trọng cân bị hỏng; sập chốt, thanh định vị cảm biến đè lên 1/4 hệ thống cảm biến trạm cân… “Các thiết bị này bị hỏng là do trời mưa, sét đánh; các gờ cố định của chốt, thanh định vị cảm biến bị mòn dẫn đến trạm cân không hoạt động ổn định… Do vậy, có một số thời điểm trạm cân không thể cân được nên tạm thời các xe đi qua đường phụ”, ông Phúc lý giải.

Đối với việc công ty có hoạt động khai thác, vận chuyển cát sau 17 giờ dưới chân cầu Hà Nha và không qua trạm cân, ông Phúc lý giải rằng: Do có một số thời điểm các máy móc, thiết bị khai thác bị hư hỏng phải sửa chữa, nên khi các xe vận chuyển đã đến mỏ phải chờ, khi sửa xong múc được cát lên xe thì sắp hết giờ hoạt động trong ngày; song vì đã lỡ chuyến hàng nên các phương tiện này có vận chuyển cát ra khỏi mỏ sau 17 giờ trong ngày.

Qua làm việc với cơ quan chức năng, ông Hồ Hoàng Phúc nhận thấy rõ các hành vi sai phạm và thừa nhận sai sót trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ Ngọc Kinh Đông, đồng thời xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấp hành các biện pháp xử lý của UBND huyện Đại Lộc. Để chấn chỉnh các hành vi vi phạm của Công ty Trường Lợi trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi làm VLXD thông thường tại mỏ khoáng sản cát, sỏi Ngọc Kinh Đông, mới đây UBND huyện Đại Lộc đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Cty Trường Lợi,với số tiền 80 triệu đồng.

Ngoài những sai phạm tại mỏ cát, sỏi Ngọc Kinh Đông của Cty Trường Lợi, thời gian qua, dù đã bị chính quyền địa phương “tuýt còi” nhưng mỏ cát Pha Lê (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc) của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê cũng liên tiếp vi phạm. Cụ thể như trong giấy phép, công ty này chỉ được sử dụng 1 sà lan, 1 tàu hút và 1 máy xúc cát từ lòng sông. Thế nhưng thực tế thời gian qua, mỏ cát này hoạt động hết công suất có thể, với hàng chục máy móc các loại, từ dưới lòng sông đến khu vực trên bến như một đại công trường. Cụ thể có thời điểm cơ quan chức năng phát hiện có đến 46 các loại phương tiện tại mỏ (gồm tàu hút, tàu vận chuyển và xe múc), vượt gấp 15 lần số lượng phương tiện cho phép…

Cần bổ sung chế tài xử lý phù hợp với thực tế

Trước những sai phạm của các mỏ cát, sỏi trên, ngày 18-9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 6300/UBND-KTN gửi Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh, Cục Thuế tỉnh cùng UBND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với cơ quan Thuế trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển kinh doanh khoáng sản của tất cả các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, trong đó có các đơn vị khai thác cát, sỏi làm VLXD thông thường; trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật, như: khai thác ngoài vị trí, ranh giới mỏ, quá khung thời gian quy định, khai thác vượt công suất giấy phép; không thực hiện duy trì hoạt động của trạm cân, hệ thống camera giám sát, lập sổ sách, hóa đơn, chứng từ mua, bán không đầy đủ; kê khai nộp thuế và nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản không đúng sản lượng khoáng sản khai thác, xuất bán… thì xử phạt nghiêm theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở TN&MT và Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra định kỳ việc chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thanh tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, trong đó có các đơn vị khai thác cát, sỏi đang hoạt động trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định và đăng công khai thông tin kết quả xử lý trên trang thông tin điện tử của tỉnh và cơ quan; trường hợp tái diễn vi phạm thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi, không giải quyết việc gia hạn giấy phép.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, UBND tỉnh Quảng Nam cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lơ là, tiếp tay cho các doanh nghiệp trục lợi nguồn tài nguyên quốc gia.

BÃO BÌNH

Liên quan đến việc khai thác khoáng sản của Cty Trường Lợi, hiện nay Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh Quảng Nam đang tiến hành xác minh điều tra đối với công ty này và phát hiện có dấu hiệu tội phạm. Hiện cơ quan điều tra đang phát tin báo giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm để xử lý, phối hợp với VKSND tỉnh để tiến hành điều tra. Thời gian tới, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố vụ án, xử lý theo quy định.

P.V

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hang-loat-sai-pham-tai-mo-cat-soi-ngoc-kinh-dong-cua-cong-ty-truong-loi-post284515.html