Hàng loạt thách thức chờ đón tân thủ tướng Anh
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson lên nắm quyền giữa lúc nước Anh phải đối mặt với hàng loạt thách thức: từ nền kinh tế trì trệ cho đến tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vẫn bế tắc và căng thẳng đang bùng lên giữa Anh và Iran.
Hôm 23-7, cựu Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson, được bầu làm lãnh đạo mới của đảng cầm quyền Bảo thủ và ông sẽ chính thức tiếp quản chiếc ghế thủ tướng Anh bắt đầu từ hôm nay, 24-7, thay thế bà Theresa May, người trước đó tự nguyện từ chức vì không thể thuyết phục Hạ viện Anh thông qua dự luật thỏa thuật Brexit mà bà đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016, có nhiều dự báo cho rằng Anh sẽ sớm rơi vào cơn suy thoái kinh tế. Dù đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra nhưng nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang phát đi những tín hiệu cảnh báo trước những lo ngại của giới đầu tư và doanh nghiệp về tình trạng không chắc chắn của Brexit và đà tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Các dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 9-8 tới có thể cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2012, GDP của Anh tăng trưởng âm trong quí 2-2019.
“Dữ liệu từ các cuộc khảo sát trong tháng 6 cho thấy tốc độ tăng trưởng vẫn yếu ớt. Điều này làm gia tăng rủi ro nền kinh tế có thể tiến vào cơn suy thoái toàn diện”, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) của Anh cảnh báo vào tuần trước.
Christian Schulz, nhà kinh tế ở Ngân hàng Citigroup, cho rằng một nền kinh tế yếu ớt hơn có thể làm thổi bùng các lo ngại của cử tri Anh về Brexit và củng cố quyết tâm của quốc hội Anh phản đối phương án Anh rời EU mà không cần thỏa thuận nào cho mối quan hệ thương mại giữa hai bên sau đó.
OBR cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ suy giảm 2% vào năm sau nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào. Ba cơ quan xếp hạng tín dụng tín nhiệm lớn nhất thế giới bày tỏ lo ngại khoản nợ khổng lồ 1.800 tỉ bảng của Anh. Họ cho biết sẽ hạ bậc tín nhiệm nợ của Anh nếu không có thỏa thuận chuyển tiếp nào để giúp Anh rời khỏi EU suôn sẻ.
Chiến thắng của ông Johnson trong cuộc chạy đua giành ghế thủ tướng đưa nước Anh tiến đến cuộc đối đầu với EU và cuộc khủng hoảng chính trị trong nước khi các nghị sĩ Anh tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối bất kỳ nỗ lực của chính phủ mới nhằm rời EU mà không có thỏa thuận.
Ông Johnson cam kết tìm kiếm một thỏa thuận Brexit mới với EU nhưng nếu EU từ chối tái đàm phán thỏa thuận này, ông vẫn nhất quyết đưa Anh rời EU vào thời hạn cuối 31-10. Trong khi đó, các lãnh đạo EU cảnh báo ông Johnson không được xé bỏ thỏa thuận Brexit mà Brussels đạt được với chính phủ tiền nhiệm của bà Theresa May.
Hôm 22-7, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Frans Timmermans, nhấn mạnh EU sẽ giữ nguyên thỏa thuận Brexit đã đạt được với chính phủ của bà May. Ông nói: “Brexit không thỏa thuận sẽ là một thảm kịch cho cả đôi bên chứ không chỉ riêng Anh. Chúng tôi sẽ chấp nhận nếu điều đó xảy ra”.
Phe ủng hộ Brexit cho rằng kinh tế Anh có thể phục hồi nhanh sau một cú sốc “Brexit không thỏa thuận”. “Không có thỏa thuận nào là cú sốc cho nền kinh tế Anh”, Gerard Lyons, cựu cố vấn kinh tế của ông Johnson và ứng cử viên thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, nói.
“Kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nền kinh tế Anh đã chứng minh sự linh động, vẫn gia tăng thêm 1 triệu lao động dù chứng kiến đầu tư suy yếu”, Lyons cho biết.
Trong cuộc vận động chạy đua vào ghế thủ tướng Anh, ông Johnson cam kết sẽ chi tiêu hàng tỉ bảng cho các dịch vụ công, xây dựng hạ tầng và giảm thuế để vực dậy nền kinh tế.
Báo chí Anh cho biết ông đang chuẩn bị thúc đẩy một khoản ngân sách khẩn cấp hàng chục tỉ bảng để bảo đảm nền kinh tế duy trì sức mạnh nếu nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Khoản ngân sách khẩn cấp này sẽ cho phép ông tiến hành các kế hoạch cắt giảm thuế, cải tổ thuế trước bạ bất động sản và cắt giảm các thủ tục hành chính. Dù ủng hộ cắt giảm thuế doanh nghiệp nhưng ông Johnson vẫn cho rằng các công ty công nghệ khổng lồ phải nộp thuế nhiều hơn.
Phát biểu với báo chí hồi đầu tháng 7, ông nói: “Thật không công bằng khi các doanh nghiệp khác phải trả thuế cao, còn các gã khổng lồ Internet Facebook, Amazon, Netflix và Google gần như chẳng nộp thuế”.
Ở mặt trận đối ngoại, tân thủ tướng Anh sẽ phải giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Anh và Iran sau khi Tehran bắt giữ một tàu dầu treo cờ Anh hôm 19-7 để trả đũa vụ lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ một tàu dầu Iran chở hai triệu thùng với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Syria.
Trong thông điệp chúc mừng ông Johnson trở thành tân thủ tướng Anh trên Twitter hôm 23-7, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói rằng Iran sẽ không tìm cách đối đầu với Anh qua vụ căng thẳng về các tàu dầu nhưng nhấn mạnh Iran “có 1.500 dặm bờ biển ở Vịnh Ba Tư. Đây là vùng biển của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ chúng”.
Ông Johnson từng nói rằng dù thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran ngày càng dễ vỡ và cần phải tìm ra các biện pháp hạn chế cách hành xử gây lo ngại của Iran, việc tiếp xúc với Iran và tìm cách thuyết phục các lãnh đạo Iran không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân là cách đúng đắn để tiến lên phía trước.
Cho đến nay, ông có rất ít dấu hiệu ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Iran. Thay vào đó, ông nhất trí lập trường của các nước châu Âu là khuyến khích Iran quay lại bàn đàm phán ngoại giao. Ông cũng nói không ủng hộ hành động quân sự chống lại Iran thời điểm này.
Về vấn đề liệu có nên cho phép hãng thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng lưới 5G ở Anh, ông Johnson từng nói rằng dù có những lợi ích lớn khi đón nhận đầu tư từ các nước khác, ông sẽ không làm bất cứ điều gì gây phương hại cho hạ tầng an ninh quốc gia của Anh.
Theo Reuters
Lê Linh