Hàng loạt trường mầm non ngoài công lập 'kêu cứu' vì sắp phá sản: Trường tư nào biết kêu ai?
Dịch Covid- 19 đang đẩy hàng loạt trường tư thục đứng trước một 'tương lai bất định', không có học sinh, không có nguồn học phí, không thể trang trải hoạt động, không thể trả lương và cũng không biết khi nào cơ sở giáo dục sẽ được mở, học sinh được đi học trở lại…
Vận dụng những nguồn lực tài chính cuối cùng, thậm chí phải đem cả những đồng tiền tiết kiệm của gia đình để trả tiền thuê địa điểm, trả lương nhân viên, giáo viên, điện nước, thuế, phí, bảo hiểm cũng như các chi phí phòng dịch rất lớn trong một cố gắng duy trì trường học mà mất bao năm mới tạo dựng được song hàng loạt trường tư đang đứng trước một “tương lai bất định”, không có học sinh, không có nguồn học phí, không thể trang trải hoạt động, không thể trả lương và cũng không biết khi nào cơ sở giáo dục sẽ được mở, học sinh được đi học trở lại…
“Chúng tôi đã kiệt sức!”
6 giờ tối, trong căn phòng trọ kín mít trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cô giáo Lê Thị Lan đang nhắn tin cho chủ cơ sở mầm non nơi cô công tác còn nợ lương từ 2 tháng trước. Đây là tin nhắn thứ 12 của Lan từ đầu tháng 3 tới nay, chưa kể các cuộc gọi cho chủ trường hỏi lương nhưng “vẫn bặt vô âm tín”. Khi học sinh được cho nghỉ, giáo viên các trường công lập được hưởng nguyên lương theo Bộ luật Lao động, nhưng giáo viên trường mầm non tư thục như cô hầu như không có lương. Ban đầu nghỉ một tuần, cô đợi. Lúc có thông báo nghỉ thêm một tuần, cô tự nhủ phải ráng. Đến khi có tin nghỉ hết tháng và có khi hết tháng 3, cô ứa nước mắt. “Chưa bao giờ tôi thấy bị động, cuộc sống bộn bề khó khăn như lúc này”, cô Lan chia sẻ.
Một hoạt động của trường mầm non Maple Leaf – Lá Phong Xanh.
Trước đó, dù chủ trường cố gắng lắm cũng chỉ hỗ trợ ăn ở, cô buộc phải kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống bằng việc bán hàng online, chờ dịch đi qua. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh leo thang như hiện tại, học sinh phải nghỉ học kéo dài, nguồn thu chính không còn thì câu chuyện trả lương cho hàng chục giáo viên như cô Lan dường như “bất khả thi” đối với các trường ngoài công lập. Trên thực tế, lãnh đạo 150 trường tư thục các cấp từ mầm non đến THPT đã ký vào thư kiến nghị Thủ tướng cho phép hoạt động trở lại. Theo nội dung thư kiến nghị, 150 lãnh đạo các trường ngoài công lập này “đã kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí”.
Theo các chuyên gia giáo dục, hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai là vô cùng tàn khốc. Theo thống kê, chỉ có khoảng 20% cơ sở giáo dục ngoài công lập thực sự có lãi, còn 40% ở mức tồn tại được và có đến 40% vẫn đang phải chịu lỗ. Chính vì thế, khi có suy giảm và khủng hoảng như thế này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản. Theo khảo sát của phóng viên, hàng chục trường mầm non tư nhân ở Hà Nội, chỉ có lẻ tẻ vài trường có quỹ để hỗ trợ giáo viên.
Một hoạt động của trường mầm non Maple Leaf – Lá Phong Xanh.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều trường không còn lựa chọn nào khác là phải tinh giảm nhân sự, hoặc “xin phép” không chi lương trong những tháng học sinh nghỉ học ở nhà tránh dịch. “Trước mắt, chúng tôi đã phải tinh giảm nhân sự như nhân viên bảo vệ, vệ sinh, cấp dưỡng… Còn giáo viên, tôi vẫn động viên các cô giáo thông cảm với các khoản chi của trường trong thời gian này. Nhưng nếu học sinh còn nghỉ hết tháng 3, thì thật sự đây là một thách thức lớn với chúng tôi”, một Hiệu trưởng trường mầm non tư thục ở Linh Đàm cho biết. Còn như tại trường mầm non Maple Leaf – Lá Phong Xanh trong ngày 6/3 vừa qua, Ban Giám hiệu đã phải gửi một lá “tâm thư” đến cho các phụ huynh học sinh khi khẳng định, nhà trường vẫn đang cố gắng bảo đảm cho tất cả cán bộ giáo viên vẫn được hưởng lương trong thời gian các học sinh phải nghỉ. Đồng thời, các thầy, cô vẫn duy trì công tác, chuẩn bị bài giảng, môi trường để sẵn sàng đón các con quay lại trường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, Ban Giám hiệu mong muốn phụ huynh hỗ trợ nhà trường một khoản phí bằng 10% học phí hiện tại, qua đó để trường vẫn duy trì những hoạt động cơ bản như thuê mặt bằng, đội ngũ nhân sự… và việc hỗ trợ này là không bắt buộc. Nhiều trường cũng mong muốn phụ huynh học sinh có thể đồng hành, sát cánh cùng nhà trường, chia sẻ với các thầy, cô giáo để vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng này bằng sự cảm thông, yêu thương.
Không chỉ cơ sở giáo dục ngoài công lập, các trung tâm ngoại ngữ, tin học cũng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Một số trung tâm ngoại ngữ có hàng trăm học viên, nhưng gần 2 tháng nay học viên không đến lớp, không có khoản thu nào trong khi phải chi trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên, giáo viên người nước ngoài, bảo hiểm xã hội. Nỗi lo lớn hơn là những khoản vay ngân hàng để vận hành trung tâm. Để xoay xở trước tình thế khó chung này, nhiều trung tâm phải cắt giảm chi phí từ 30 - 50%, nhiều nhân viên phải nghỉ việc, cắt hợp đồng với giáo viên người nước ngoài.
Thu phí học online có khả thi?
Để giải quyết tình trạng khó khăn trước mắt, một số trường ngoài công lập đề xuất việc cho học sinh học online và sẽ tiến hành thu phí. Tuy nhiên, theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Một hoạt động của trường mầm non Maple Leaf – Lá Phong Xanh.
Theo đó, không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, cũng như học phí đối với tháng đi học bù, đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học. Còn đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.
Ông Khánh khẳng định Bộ GD&ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online… thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ GD&ĐT không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này.
Trước đó, nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường Phổ thông liên cấp Newton Hà Nội phản ánh là nhận được thông báo của nhà trường về thu thêm tiền học trực tuyến. Cụ thể, theo thông báo, trường đề nghị mức phí thu thêm trong thời gian con học trực tuyến tại nhà là 2,2 triệu đồng/tháng đối với học sinh khối Tiểu học và 2,5 triệu đồng/tháng đối với khối THCS và THPT. Việc thu học phí này được giải thích là để chia sẻ với nhà trường nhằm đảm bảo ổn định đội ngũ giáo viên, hỗ trợ một phần chi phí cho nhà trường triển khai việc dạy, học online. Sự việc này ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ phía các bậc phụ huynh trong và ngoài trường. Dư luận cho rằng, đảm bảo đời sống giáo viên là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của phụ huynh học sinh?