Hàng loạt trường mở ngành vi mạch - bán dẫn
Việc hơn 10 cơ sở đào tạo đại học mở ngành thiết kế vi mạch - công nghiệp bán dẫn đã tạo thành hiện tượng đặc biệt của mùa tuyển sinh năm 2024.
Các chuyên gia đánh giá, ngành vi mạch - bán dẫn không chỉ là nhu cầu của hiện tại mà còn là xu hướng của tương lai, khi thị trường ngành này đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
Chạy đua thời gian
Công nghiệp bán dẫn - vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Mặc dù đây không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học (ĐH) lớn ở nước ta triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp ngành này còn rất thấp.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch cho những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới năm 2030.
Ngay sau Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam diễn ra vào trung tuần tháng 10/2023, với chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, nhiều trường ĐH trên cả nước đã nhanh chóng xây dựng đề án, chuẩn bị nhân lực để bắt tay vào triển khai tuyển sinh ngành vi mạch - bán dẫn.
Từ mùa tuyển sinh năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội và một số cơ sở đại học thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ sẽ mở đào tạo ngành chip bán dẫn. Trong đề án tuyển sinh năm 2024 mới công bố, Trường ĐH Phenikaa dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07. Còn Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ĐH Việt Pháp) thông báo tuyển sinh tổng 1.050 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo, trong đó có ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.
Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), nhà trường triển khai xây dựng đề án mở chuyên ngành thiết kế vi mạch và tuyển sinh khóa kỹ sư đầu tiên trong năm 2024 với khoảng 50 sinh viên; đồng thời, trường đang hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và vi mạch bán dẫn.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường mở mới chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Dự kiến, trường tuyển khoảng 100 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu).
Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng) cũng cho hay, nhà trường mở mới chuyên ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn với 40 chỉ tiêu tuyển sinh. Trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn; triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với DN dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60 - 100 chỉ tiêu hằng năm.
Ngoài ra, có hàng chục cơ sở đào tạo khác cũng mở ngành đào tạo vi mạch - bán dẫn vào cuối năm 2023 và mùa tuyển sinh năm 2024… Con số này dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới để chạy đua với thời gian.
Tận dụng thời cơ vàng
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ TT&TT cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện có hơn 50 DN FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn; trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch - bán dẫn TP Hồ Chí Minh (HSIA) cho thấy, kỹ sư Thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 - 30 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6 - 1 tỷ đồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Còn ở ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, cho biết 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới ra trường khoảng 15 - 20 triệu đồng, tương đương ngành công nghệ thông tin. Nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500 - 3.000 USD một tháng (60 - 70 triệu đồng).
Để chuẩn bị tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn, trên cơ sở nền tảng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có sẵn, các trường đẩy mạnh hợp tác với DN, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại.
Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), nhà trường sử dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu có chuyên môn về điện tử, kỹ thuật máy tính liên quan đến lĩnh vực bán dẫn gồm có 2 phó giáo sư, 8 tiến sĩ; tận dụng tối đa nguồn lực giảng viên của ĐH Đà Nẵng lĩnh vực chuyên ngành thiết kế vi mạch.
Bên cạnh đó, từ các quan hệ hợp tác, trường sẽ mời các chuyên gia trình độ cao đến từ các tập đoàn, DN trong và ngoài nước để tư vấn, giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn thực tập DN... Trước mắt, nhà trường sẽ cử đội ngũ giảng viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn sâu về công nghệ vi mạch thông qua các chương trình của TP, Chính phủ và các DN về vi mạch.
Về phía ĐH Đà Nẵng, trong năm 2023, đơn vị đã ký kết biên bản hợp tác liên minh với ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Mục tiêu của ký kết là phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường để thống nhất kế hoạch hành động và mở rộng cùng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các DN lớn, các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần sàng lọc đầu vào và có chính sách hỗ trợ sinh viên theo ngành vi mạch bán dẫn như tạo cơ hội cho sinh viên nhận học bổng từ DN.
Đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi người kỹ sư bên cạnh kiến thức chuyên môn sâu rộng thì phải có niềm yêu thích đặc biệt với công việc thiết kế chi tiết, luôn có tinh thần ham học hỏi, cập nhật kiến thức, xu hướng công nghệ; kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả; đồng thời phải có trình độ ngoại ngữ tốt để tiếp thu được kiến thức, công nghệ và làm việc trong môi trường quốc tế.
Chúng ta đang hội tụ của “thời điểm, thời khắc, thời cơ” đối với đào tạo ngành vi mạch bán dẫn. Đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… , tuy nhiên phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Trước thềm mùa tuyển sinh năm 2024, PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp vi mạch - bán dẫn trong tương lai gần sẽ rất nhiều. Vì vậy, nếu yêu thích, quan tâm đến ngành này, các em cần nhanh chóng tìm hiểu thông tin tuyển sinh trên website của các nhà trường để nắm rõ được quy trình, cách thức tuyển sinh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hang-loat-truong-mo-nganh-vi-mach-ban-dan.html