Hàng loạt xe điện trị giá nhiều tỷ đồng 'đắp chiếu' suốt 5 năm tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Sau khi được các nhà hảo tâm tài trợ, 13 chiếc xe điện ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vẫn không thể đưa vào khai thác, sử dụng và phải 'đắp chiếu' suốt 5 năm qua gây lãng phí.
Thời gian qua, khi du khách đến với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) không khỏi băn khoăn khi nhìn thấy hình ảnh những chiếc xe điện nằm “đắp chiếu”, mặc cho bụi bám, mà không được đưa ra khai thác, phục vụ người tham quan.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân 13 chiếc xe điện này có giá trị hơn 3 tỷ đồng, được 3 doanh nghiệp trao tặng cho khu di tích vào năm 2018 nhân kỷ niệm 50 chiến thắng Đồng Lộc. Những chiếc xe này sẽ được khai thác vận chuyển khách di chuyển trong nội bộ khuôn viên khu di tích. Thế nhưng, sau khi nhận tài trợ xe điện từ doanh nghiệp, Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã vận hành thử trong vòng 2 tháng, rồi đắp chiếu cho đến nay, gây lãng phí.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc để đưa số xe điện nói trên vào hoạt động cần có một khoản chi phí để thuê người lái, bảo trì, bảo dưỡng xe. Vì vậy, đơn vị này dự kiến gửi tờ trình đến UBND tỉnh Hà Tĩnh xin được vận hành xe điện có thu phí để phục vụ du khách. Tuy nhiên, quá trình đề xuất chưa hoàn thành thì đại dịch Covid-19 bùng phát khiến cho việc này phải tạm dừng suốt 2 năm.
“Đến tháng 6.2022 khi dịch Covid-19 lắng xuống, đơn vị này đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Hà Tĩnh xin vận hành hệ thống xe điện phục vụ du khách trong nội bộ khu di tích và có thu phí. Sau đó phía tỉnh giao cho Sở Tài chính định giá để đưa ra mức giá dịch vụ khi vận hành những chiếc xe này. Hiện nay Sở Tài chính đang làm các thủ tục”, ông Đào Anh Tuân, Phó Bản quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, suốt 5 năm những chiếc xe không hoạt động đến dẫn đến một số bộ phần bắt đầu bị hư hỏng. Những ngày qua, đơn vị này đang phải sửa chữa lại một số bộ phận nhằm sẵn sàng phục vụ du khách khi hoàn thiện các thủ tục.
“Chạy xe điện thì có nhiều thuận lợi như du khách có thời gian để trải nghiệm các địa điểm, đảm bảo an ninh trật tự môi trường, không gây tiếng ồn trong khu di tích, trong thời gian ngồi xe thì mình có thể giới thiệu thông tin về khu di tích. Đặc biệt là đảm bảo tính tôn nghiêm, văn minh cho khu di tích cấp quốc gia đặc biệt này”, ông Đào Anh Tuân cho biết thêm.
Phía lãnh đạo Phòng Quản lý giá và Công sản (Sở Tài chính Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đang làm hướng dẫn gửi Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc triển khai làm giá bán vé thu phí dịch vụ xe điện để sớm hoàn thiện, vận hành phục vụ nhu cầu vận chuyển khách tham quan.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Trong đó Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc là nơi diễn ra cuộc đọ sức cam go giữa ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của quân và dân ta với bom đạn khốc liệt của đế quốc Mỹ. Chỉ tính từ năm 1964 - 1968, Ngã ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, ước tính, mỗi mét vuông diện tích ở đây phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.
Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của Tiểu đội 4 Đại đội 552 thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Người trẻ nhất 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 24, họ đều đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người... Năm 2013, Khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước công nhận là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.