Hàng 'Made in Vietnam' xuất khẩu qua Amazon tăng mạnh

Trong 5 năm, số doanh nghiệp Việt đăng ký thương hiệu trên Amazon tăng 35 lần, sản phẩm xuất khẩu tăng 300%, cho thấy hàng hóa 'Made in Vietnam' ngày càng được thế giới ưa chuộng.

 Sản phẩm "Made in Vietnam" tăng mạnh xuất khẩu xuyên biên giới thông qua Amazon. Ảnh: Reuters.

Sản phẩm "Made in Vietnam" tăng mạnh xuất khẩu xuyên biên giới thông qua Amazon. Ảnh: Reuters.

Hội nghị xuất khẩu qua thương mại điện tử 2025 với chủ đề “Thương hiệu Việt - Cất cánh toàn cầu” do Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) tổ chức sáng 25/7 đã công bố những kết quả tăng trưởng tích cực của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu xuyên biên giới.

Hội nghị cũng cung cấp nhiều nội dung liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới của thương mại toàn cầu, nơi chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành nền tảng thiết yếu giúp doanh nghiệp vươn xa.

“Việc chủ động hội nhập số không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, ông Chiến nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại đã ký kết hợp tác với Amazon Global Selling Việt Nam về việc tổ chức chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế giai đoạn 2025-2027.

Hàng "Made in Vietnam" xuất khẩu qua Amazon tăng 300%

Ông Larry Hu, Tổng giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, đánh giá sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng được thế giới ưa chuộng, từ hàng thủ công mỹ nghệ đến các nông, đặc sản.

Số đối tác Việt Nam đăng ký bán hàng trên sàn này đã tăng hơn 35 lần trong 5 năm; số lượng sản phẩm được bán ra tăng 300%; top 5 ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất bao gồm: Sức khỏe, chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp. Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng 12%.

 Ông Larry Hu, Tổng giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á. Ảnh: Thảo Liên.

Ông Larry Hu, Tổng giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á. Ảnh: Thảo Liên.

Theo ông Larry Hu, trong thời gian tới, Amazon sẽ tập trung thúc đẩy các danh mục tiềm năng thuộc "Viet-Selection" bao gồm: Đồ gỗ, thực phẩm và may mặc.

Ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dh Foods - một nhà bán hàng lâu năm trên nền tảng Amazon cho biết công ty bắt đầu xuất khẩu từ năm 2016 nhưng 3 năm sau mới đăng ký bán hàng trên Amazon.

Theo ông, xuất khẩu trực tiếp là bài toán khó với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dh Foods từng chi hàng tỷ đồng mỗi năm tham gia triển lãm quốc tế nhưng doanh thu xuất khẩu trực tiếp chỉ chiếm khoảng 5%.

 Ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dh Foods tại hội nghị. Ảnh: Thảo Liên.

Ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dh Foods tại hội nghị. Ảnh: Thảo Liên.

Dù việc khởi đầu trên Amazon khá vất vả, ông Dũng khẳng định chỉ khi có sự hỗ trợ từ Amazon Global Selling, doanh nghiệp mới có thể bứt phá.

Nền tảng bán hàng này đã cung cấp dữ liệu chi tiết về sản phẩm, doanh số, xu hướng tiêu dùng toàn cầu… giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí. Nhờ đó, Dh Foods tạo ra sản phẩm đúng xu hướng và phù hợp với từng thị trường.

Ông Dũng cho biết ban đầu, nhiều người tiêu dùng quốc tế trên Amazon chưa biết đến gia vị Việt Nam như muối tôm Tây Ninh, muối chanh Nha Trang. Tuy nhiên, ẩm thực Việt như phở, bún bò Huế, bún chả, bánh mì đang ngày càng phổ biến.

Ông đề xuất doanh nghiệp nên kể câu chuyện ẩm thực Việt ngay trên Amazon để gia tăng nhận diện và kéo theo nhu cầu các sản phẩm gia vị đi kèm.

Theo ông Dũng, đây là cơ hội lớn để đưa gia vị và nông sản Việt Nam tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Ông kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng cơ hội hợp tác với Amazon trước khi các chính sách nền tảng có sự thay đổi.

“Việt Nam thừa sức sản xuất nông sản chất lượng, thậm chí tốt hơn Thái Lan hay Hàn Quốc. Ngành ẩm thực và nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới”, ông Dũng khẳng định.

Nhà bán hàng mới cần nghiêm túc xây dựng thương hiệu

Tại hội nghị, bà Sao Lonsdale, CEO Lixibox, chia sẻ sau một năm hoạt động trên Amazon với việc xây dựng và phát triển thành công thương hiệu làm đẹp CoBa’s Daughter, dù “vừa đi vừa học”, thương hiệu này đã đạt những kết quả tích cực.

Dựa trên kinh nghiệm bán hàng qua Amazon, vị này khuyến cáo người bán mới cần có nền tảng và đội ngũ vận hành vững chắc, hiểu rõ xuất nhập khẩu, kiểm soát tồn kho và chuẩn bị đủ giấy tờ cần thiết theo quy định.

“Dù có thể gặp sai sót và chậm thu lợi nhuận, việc bán được hàng trên Amazon, phần thưởng dành cho doanh nghiệp là rất lớn”, bà Sao Lonsdale nhận định.

Bà Sao Lonsdale đề xuất các nhà bán hàng mới nên chuẩn bị sẵn một khoản đầu tư khi kinh doanh trên Amazon và xem những sai sót ban đầu là một phần tất yếu và không nên bỏ cuộc.

Bên cạnh đó, bà thừa nhận chi phí xây dựng thương hiệu rất lớn và người bán cần sẵn sàng tâm lý “đổ tiền”.

“Với những ai muốn đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới, không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực sự làm thương hiệu”, vị này khẳng định.

Theo bà, người bán Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chỉ trông chờ vào kỹ năng bán hàng, tìm nguồn hàng hay khai thác thị trường ngách, bởi các đối thủ - đặc biệt từ Trung Quốc - có ưu thế vượt trội về giá thành và quy mô sản xuất, điều này sẽ khiến biên lợi nhuận của nhà bán hàng trong nước bị thu hẹp đáng kể.

“Thương hiệu ban đầu không cần hoàn hảo, có thể bắt đầu từ câu chuyện, thiết kế bao bì, nguồn gốc sản phẩm…”, CEO Lixibox nói.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực miền Nam, đúc kết ba yếu tố quan trọng mà ông gọi là “ba cạnh của một tam giác cân” trong mô hình xuất khẩu qua thương mại điện tử để xây dựng thương hiệu và tạo sự khác biệt: Khách hàng, sản phẩm và thương hiệu.

 Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực miền Nam đưa ra các bài học để nhà bán hàng mới xây dựng thương hiệu khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thảo Liên.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực miền Nam đưa ra các bài học để nhà bán hàng mới xây dựng thương hiệu khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Thảo Liên.

Vị này cho hay việc hiểu rõ văn hóa, hành vi tiêu dùng là yếu tố then chốt khi bước vào thị trường mới. “Ví dụ, khách hàng Mỹ yêu cầu giao hàng rất nhanh, nên cần mô hình xử lý sản phẩm hiệu quả”, ông Thủy nói.

Về sản phẩm, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng, phù hợp xu hướng và có khả năng điều chỉnh nhanh dựa trên phản hồi từ người tiêu dùng. Còn việc xây dựng thương hiệu, theo ông Thủy, đây là yếu tố then chốt giúp khách hàng ghi nhớ sản phẩm, truyền tải giá trị và mở rộng thị phần bền vững.

Thảo Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/hang-made-in-vietnam-xuat-khau-qua-amazon-tang-manh-post1571635.html