Hàng ngàn ha đất công biến thành bãi tập kết cát sỏi, nhà máy gạch
Hàng ngàn ha đất ven sông do chính quyền quản lý nhưng bị 2 công ty lấn chiếm làm bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, nhà máy gạch
UBND huyện Mê Linh vừa yêu cầu Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Bách Khoa (Công ty Bách Khoa) Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đại Phú Quý (Công ty Đại Phú Quý) dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; trả lại phần đất lấn chiếm cho UBND xã Văn Khê quản lý. Đồng thời, yêu cầu 2 công ty này có phương án di dời, vận chuyển cát sỏi, vật liệu ra khỏi khu vực này.
Công ty Bách Khoa có địa chỉ trụ sở tại thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Đường (SN 1968; trú tại thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê), Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc công ty.
Đoàn kiểm tra của huyện Mê Linh cho biết về đất đai, tại thời điểm kiểm tra, công ty đang hoạt động trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng (cát san lấp, cát vàng, sỏi, đá); hoạt động bãi chứa, trung chuyển và cảng thủy nội địa: dạng hoạt động bình thường, bốc xếp hàng hóa từ tàu thủy lên phương tiện vận chuyển đường bộ; có 1 máy nghiền đá tại khu vực công ty đang hoạt động; công ty vẫn hoạt động trong mùa mưa lũ.
Đáng chú ý, theo kết quả đo đạc hiện trạng tại thời điểm kiểm tra, phần diện tích 10.465 m2 mà công ty đã ký hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT Hà Nội đã bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Hồng; công ty đang sử dụng diện tích đất là 1,56 ha đất bãi do UBND xã Văn Khê quản lý để làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng.
Đoàn kiểm tra xác định công ty này có nhiều vi phạm thời gian qua, như: vẫn hoạt động trong mùa mưa lũ dù UBND TP Hà Nội đã cấm; có hành vi lấn chiếm 1,56 ha làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng; xây dựng nhà xưởng trái phép trên diện tích 1.218,8 m2, UBND huyện đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay công ty chưa nộp tiền, chưa trả lại mặt bằng cho UBND xã Văn Khê quản lý; lắp đặt 1 máy nghiền đá tại khu vực đất tự ý sử dụng 1,56 ha chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Chưa bố trí xe chuyên dụng để tưới nước giảm bụi khu vực vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn xã; chưa lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung như: địa chỉ cung cấp cát sỏi được tập kết tại bến bãi; diện tích bến bãi.
Trong khi đó, UBND xã Văn Khê quản lý yếu kém, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Thanh tra Giao thông huyện, Công an huyện Mê Linh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên để xảy ra các vi phạm trên.
Còn Công ty Đại Phú Quý có địa chỉ trụ sở tại số 3 ngách 56/123, tổ 1 phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Bảo Hà (SN 1973; trú tại quận Long Biên), Giám đốc công ty.
Đoàn kiểm tra của huyện Mê Linh cho biết Công ty Đại Phú Quý chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định; còn nợ đọng số tiền thuê đất hàng năm khoảng 6,5 tỉ đồng.
Công ty Đại Phú Quý có hành vi lấn chiếm diện tích đất 2,1 ha vào mục đích sản xuất, kinh doanh; thời hạn thuê đất của công ty đã hết hạn từ năm 2020, đến nay công ty đang sử dụng nhưng chưa xin gia hạn tiếp tục thuê đất; công ty đang tự ý sử dụng diện tích 98.462,5 m2 (9,84 ha) đất bãi sông Hồng để sản xuất, kinh doanh; công ty vẫn hoạt động vào mùa mưa lũ hàng năm.
Công ty Đại Phú Quý chưa thực hiện thủ tục xin gia hạn thời hạn thực hiện dự án theo quy định tại Điều 5 của Giấy chứng nhận đầu tư số 001121001088 ngày 23-5-2012 của UBND TP đối với dự án đầu tư: cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ thân thiện với môi trường theo Luật Đầu tư.
Về công tác bảo vệ môi trường, công ty chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận: công ty chưa được Sở TN-MT cấp giấy xác nhận việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đã đưa nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2011 đến nay; công ty thực hiện quan trắc giám sát môi trường 2 lần/năm (năm 2022) là chưa đúng, đủ với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
UBND xã Văn Khê đã quản lý yếu kém, Phòng TN-MT, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Thanh tra Giao thông huyện, Công an huyện Mê Linh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên dẫn đến các vi phạm.