Hàng ngàn hecta rừng vùng Bảy Núi (An Giang) đứng trước nguy cơ cháy lớn
Bước vào đỉnh điểm của mùa khô hạn, độ ẩm thấp, nắng nóng kéo dài nên nguy cơ cháy rừng vùng Bảy Núi rất cao, đòi hỏi chính quyền địa phương và ngành chuyên môn tăng cường các giải pháp phòng chống cháy rừng.
Nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 - cực kỳ nguy hiểm.
An Giang là địa phương có diện tích rừng rộng lớn, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 17 ngàn ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cấp 5 là hơn 7 ngàn ha, tập trung ở các huyện như: Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn…
Hiện nay, nhiệt độ khu vực này luôn ở mức cao, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt, vì vậy rất dễ bắt lửa gây cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng, tạo thành những đám cháy lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều mặt. Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Ông Hồ Văn Minh - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 3, thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên -cho biết, tổ của ông có 9 người, bảo vệ khoảng 200 ha.Thời điểm này, do nắng nóng kéo dài, ông và các thành viên của tổ luôn phải có ý thức và cảnh giác cao trong việc phòng chống cháy rừng. Hàng ngày, tổ chia thành 3 nhóm, thường xuyên tuần tra các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy.
Tương tự, ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng hạt kiểm lâm liên huyện Tri Tôn-Thoại Sơn cho biết, Hạt quản lý địa bàn rộng, với tổng số diện tích rừng cần bảo vệ là hơn 5.500 ha, trong đó diện tích rừng khu vực núi là gần 3.800 ha, rừng thuộc đồng bằng hơn 1.800 ha. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đã triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy đối với các điểm có nguy cơ cháy cao.
Vì thế, đơn vị của ông kiểm soát chặt chẽ người vào trong những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa, phát hiện kịp thời điểm cháy, hướng dẫn khách tham quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao. “Năm nay hanh khô hơn, nhiệt độ lên tới 35-36 độ rồi, nhất là mực nước ngầm rất thấp, cho nên nguy cơ cháy rừng hiện nay rất là cao, mức cực kỳ nguy hiểm là mức cao nhất rồi. Nói chung bây giờ các phương tiện, dụng cụ chữa cháy đều đưa xuống vùng trọng điểm hết”, ông Định cho biết.
Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở khách hành hương
Ông Trương Minh Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang - cho biết, diện tích rừng của tỉnh An Giang chủ yếu tập trung ở khu vực Bảy Núi. Đây lại là nơi có nhiều chùa chiền và cơ sở thờ tự, nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào, nếu như người dân, khách hành hương thiếu ý thức trong việc sử dụng lửa. Do đó, công tác tuyên truyền để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác phòng chống cháy rừng là hết sức quan trọng.
Lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm và chủ rừng túc trực tại các chùa chiền, nơi khách hành hương tập trung cao, để thường xuyên nhắc nhở du khách cẩn trọng trong việc sử dụng lửa để đốt nhang, đốt vàng mã. Đối với các hộ dân sống ven rừng cũng thường xuyên nhắc nhở khi sử dụng lửa.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác phòng chống cháy rừng, Chi cục kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triển khai hàng chục phương án từ cấp huyện đến cấp xã. Quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Cụ thể, đã trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển lực lượng khi có sự cố. Gần 70 xuồng và vỏ lãi, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 12.000 các dụng cụ như: thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa,… bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, xây dựng đường băng cản lửa chủ động, chống cháy lan với tổng diện tích hơn 20 ha như: khu vực Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn…