Hàng ngàn hộ dân xã nghèo phải đóng Quỹ… vì người nghèo

Xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là địa phương đặc biệt khó khăn, với trên 1.000 hộ nghèo, cận nghèo, 100% người dân trên địa bàn được cấp bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với thời hạn 5 năm.

Điều đáng nói, nhiều năm nay ngoài đóng các khoản quỹ bắt buộc, người dân ở địa phương này còn phải góp các Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nông dân như kiểu bị bắt buộc, khiến dư luận bức xúc.

Người dân xã Hòa An bức xúc vì cuộc sống khó khăn vẫn phải đóng nhiều thứ quỹ do xã đặt ra.

Người dân xã Hòa An bức xúc vì cuộc sống khó khăn vẫn phải đóng nhiều thứ quỹ do xã đặt ra.

CON LIỆT SĨ ĐÓNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Những ngày trung tuần tháng 5-2020, phóng viên Báo Công an TPHCM liên tục nhận được điện thoại của người dân xã Hòa An phản ánh về việc họ phải đóng nhiều loại quỹ có dấu hiệu lạm thu. Trước thông tin trên, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu và ghi nhận việc làm trên đã thực hiện nhiều năm qua dù người dân bức xúc, phản ứng.

Cầm thẻ bảo hiểm y tế được cấp miễn phí thời hạn từ năm 2017 – 2022, chị T.T.U.H (ngụ ấp 1, xã Hòa An) cho biết: “Hai vợ chồng không có ruộng đất, chỉ duy nhất có cái nền nhà để ở, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn do thường xuyên bị bệnh. Vậy mà năm nào xã cũng đến thu các loại quỹ. Cách nay hơn 1 năm, tôi có khiếu nại thì cán bộ cho rằng vợ chồng không có con nên phải đóng góp”.

Theo chị H., cách nay hơn 1 tuần, có cán bộ ở ấp đến đưa giấy thông báo gia đình phải đóng 130 ngàn đồng gồm Quỹ đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, phòng chống thiên tai. Sau đó, chị có gửi tiền cho hàng xóm đóng hộ, bởi biết không đóng không được. “Sau khi đóng 130 ngàn nhưng biên lai chỉ thể hiện số tiền thu 100 ngàn. Tôi gặp cán bộ thắc mắc thì họ cho rằng thiếu biên lai. Năm rồi, tôi đóng 170 ngàn đồng. Tôi biết có trường hợp đóng tiền nhưng cũng không có biên lai” - Chị H. bức xúc nói.

Cùng 3 loại quỹ trên nhưng số tiền phải nộp chỉ 115 ngàn, bà L.T.T (ngụ tại địa phương) trình bày: Vừa qua có đoàn 5 người ở ấp đến đưa thông báo cho gia đình bà, rồi tiến hành thu tiền. Do trong túi không có tiền nên bà nói khi nào có sẽ đóng sau.

Hôm sau, một cán bộ ấp đến thông báo là thời hạn nộp tiền đã hết nên ông này đã lấy tiền túi ra đóng thay. “Ông Hữu Phước nói cho tôi mượn tiền thì mai mốt trả lại cho ông ấy. Tuy nhiên sáng hôm sau ông này ghé nhà đòi 130 ngàn đồng. Tôi nộp đủ nhưng xem lại phiếu thu chỉ có 115 ngàn nên ổng đưa lại tôi 15 ngàn đồng” – Bà T. cho biết.

Được biết, gia đình bà T. bị rút sổ hộ nghèo vào năm 2019. Lý do là vợ chồng được con gái cho tiền và ngân hàng hỗ trợ vay vốn cất căn nhà. Nhà cất xong, ngoài nợ ngân hàng, vợ chồng bà còn nợ tiền vật liệu xây dựng gần 50 triệu đồng.

Thông báo vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo gửi cho gia đình con của liệt sĩ.

Thông báo vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo gửi cho gia đình con của liệt sĩ.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên còn phát hiện trường hợp con liệt sĩ cũng được thông báo nộp tiền Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Cụ thể là trường hợp ông H.V.L (ngụ ấp 5, xã Hòa An) được Chủ tịch UBND xã Hòa An Trương Thị Ngọc Bích gửi thông báo ký ngày 30-3-2020 thông báo vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo năm 2020. Thời gian nộp là vào ngày 8 đến 15-5. Số tiền nộp là 100 ngàn đồng. Ngoài ra, còn được thông báo nộp 30 ngàn đồng cho Quỹ phòng chống thiên tai.

Theo một số người dân, ngoài các khoản thu bắt buộc phải đóng là Quỹ phòng chống thiên tai thì mỗi khi đưa thông báo lại có thêm nhiều loại khoản thu bất hợp lý là Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Trong khi đó những loại này là tự nguyện nên người dân có quyền đóng hoặc không đóng chứ không áp đặt như cách làm của cán bộ xã, ấp (!)

TỰ NGUYỆN HAY BỊ BẮT BUỘC?

Theo tài liệu phóng viên thu thập, ngày 30-3, Chủ tịch UBND xã Hòa An ký nhiều thông báo về việc vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ phòng chống thiên tai gửi đến người dân trong xã. Trong đó Quỹ phòng chống thiên tai từ 15 - 30 ngàn đồng, còn Quỹ đền ơn đáp nghĩa và Quỹ vì người nghèo là 100 ngàn đồng.

Ngoài 3 loại quỹ trên, người dân còn phải đóng thêm Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 100 ngàn đồng do Chủ tịch Hội nông dân ra “phiếu ghi nhận”.

Thông báo của UBND xã Hòa An gửi người dân về các khoản phí phải nộp.

Thông báo của UBND xã Hòa An gửi người dân về các khoản phí phải nộp.

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Ngọc Bích (Chủ tịch UBND xã Hòa An) xác nhận và cho biết: Địa phương là xã đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 14 ấp, với 4.144 hộ. Trong đó có 846 hộ nghèo, 228 hộ cận nghèo.

Trước câu hỏi về mức thu giữa các hộ dân có chênh lệch nhau, bà Bích cho biết: “Quỹ vì người nghèo thì thu tiền trên hộ, còn phòng chống thiên tai thì thu theo nhân khẩu. Chẳng hạn 1 người thì đóng 15 ngàn, còn 2 người thì 30 ngàn đồng. Trước khi đi vận động các loại quỹ là xã có chỉ đạo ấp mời họp dân, công khai mức thu và người dân đều đồng ý. Tiếp đến xã sẽ ra thông báo thu tiền. Đối tượng miễn thu tiền là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách...”.

Phóng viên đặt vấn đề là các loại quỹ trên thuộc diện tự nguyện đóng góp hay bắt buộc? Bà Bích cho rằng các loại quỹ trên đều là vận động. Hàng năm, UBND xã đều ra Nghị quyết là xây cất 1 căn nhà tình nghĩa, 1 căn nhà tình thương, sửa chữa 2 căn nhà tình nghĩa. Sau khi tính toán số tiền sẽ phân ra từng ấp để tổ chức vận động. Tiền vận động được nộp về Kho bạc Nhà nước huyện. Khi nào có đối tượng cần hỗ trợ sẽ làm tờ trình xin ý kiến UBND huyện mới được giải ngân. Tổng số tiền thu các loại quỹ nói trên sẽ là hơn 242,5 triệu đồng.

Đối với việc thông báo nộp Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Nguyễn Văn Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An giải thích: “Được chủ trương từ trên là phải tăng trưởng Quỹ hỗ trợ cho nông dân hàng năm. Từ đó cấp trên chấp nhận cho xã huy động tiền các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, nông dân rồi nộp về Hội Nông dân huyện. Việc thu quỹ này để thực hiện các mô hình thoát nghèo. Mỗi năm, nguồn thu quỹ là tăng trưởng 20%. Cụ thể năm nay nộp là 13,5 triệu đồng. Việc thu quỹ diễn ra đầu tháng 1-2020”.

Ông Phượng còn cho biết thêm, đến nay thời hạn của loại quỹ này đã hết mà chỉ thu được 6/14 ấp, với số tiền 9 triệu đồng. Do vậy nhằm đảm bảo chỉ tiêu thì địa phương đã tự “xuất tiền túi” bù vào để nộp đủ cho huyện.

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hang-ngan-ho-dan-xa-ngheo-phai-dong-quy-vi-nguoi-ngheo_93055.html