Hàng ngàn lãnh đạo tỉnh và huyện, hàng vạn cán bộ xã, ai đi ai ở khi sáp nhập?
Một trong những vấn đề quan trọng khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là công tác bố trí và tuyển chọn cán bộ, công chức, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý; ai đi, ai ở là một bài toán đặt ra không hề đơn giản.
Đó là chia sẻ của TS Lê Văn Hạnh, Ban Nội chính Trung ương, gửi đến Diễn đàn "Sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp xã: Nghe dân nói". Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả liên quan đến việc việc bố trí, sử dụng cán bộ khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp cơ bản đã hình thành tổng thể. Với sự triển khai quyết liệt, sự đồng thuận trong toàn xã hội, việc hoàn thành chủ trương này chỉ còn trong thời gian ngắn.
Vấn đề mấu chốt tiếp theo để bộ máy vận hành thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như mục tiêu đề ra, cùng với hoàn thiện thể chế phải lựa chọn được cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài và bố trí đúng người, đúng việc.
Để công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, rất cần thiết nhìn lại, đúc rút những kinh nghiệm từ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua để lựa chọn, bố trí cán bộ nhằm thực hiện cho được chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, không để xảy ra tình trạng cán bộ vừa mới quy hoạch, bổ nhiệm lại bị xử lý”.

Sáp nhập đơn vị hành chính cũng là cơ hội để sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, công chức, chọn những người ở lại giữ trọng trách quan trọng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Thạch Thảo
Sau một thời gian Đảng, Nhà nước kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 chỉ ra là "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" đã được nhận diện ngày càng rõ và xử lý có hiệu quả.
Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đến nay, đã có hơn 90.500 đảng viên bị xử lý kỷ luật Đảng, trong đó có hơn 160 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Trung ương quản lý (nhiều hơn hai lần so với cả nhiệm kỳ 12); hơn 60 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (nhiều hơn ba lần so với cả nhiệm kỳ 12).
Đây là những con số biết nói, đặt ra cho chúng ta yêu cầu làm sao công tác quản lý, bố trí, sử dụng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tới đây không lặp lại những hạn chế như đã xảy ra. Nếu tiếp tục xảy ra, đó là điều mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân không thể chấp nhận và cũng không có lý do gì để biện giải thuyết phục.
Kết quả phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã có tác dụng rất to lớn trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tăng cường xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhiều việc phải trăn trở, suy nghĩ
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều việc phải trăn trở, suy nghĩ, trong đó có ba vấn đề cần mạnh dạn nhìn nhận liên quan đến công tác lựa chọn, bố trí cán bộ.
Thứ nhất, những cán bộ, đảng viên sai phạm đã không giữ vững được thành trì cuối cùng, đó là khả năng kiềm chế “lòng tham”, nên trước những cám dỗ về vật chất đã không thể vượt qua.
Khi sáp nhập 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh, thành có nghĩa là có 29 bí thư, chủ tịch cấp tỉnh và hàng trăm giám đốc sở, ngành cùng cấp phó cần sắp xếp lại. Không tổ chức cấp huyện có nghĩa là 696 bí thư, chủ tịch cấp huyện và hàng ngàn cấp phó cần bố trí, giải quyết. Sáp nhập 10.035 xã còn khoảng 5.000 xã tức là hơn 5.000 bí thư, chủ tịch xã cũng cần phải tính toán. TS Lê Văn Hạnh
Thứ hai, mặc dù cán bộ, đảng viên sai phạm đã bị xử lý nghiêm minh, nhưng vẫn còn những trường hợp không biết sợ, cố tình vi phạm, bất chấp pháp luật và đạo lý.
Bằng chứng là, hầu hết các sai phạm bị phát hiện, xử lý thời gian qua chủ yếu xảy ra từ các nhiệm kỳ trước, song vẫn có những sai phạm do không được phát hiện, xử lý nên tiếp tục tiếp diễn hoặc ngay trong khi các cơ quan chức năng đang xử lý các sai phạm với tính cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe rất cao mà sai phạm mới vẫn diễn ra. Vụ án xảy ra tại công ty Việt Á là một minh chứng điển hình.
Thứ ba, việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm thời gian qua cũng đặt ra vấn đề là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nảy sinh tư tưởng “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử”.
Từ đó, họ thiếu quyết liệt, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến trì trệ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Bài toán đặt ra không hề đơn giản
Để thực hiện hai mục tiêu 100 năm mà Đảng ta đã đặt ra, trước mắt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số liên tục trong các năm tiếp theo, thời gian đầu sau sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính còn vô vàn khó khăn, phức tạp phải giải quyết ở phía trước.
Một trong những vấn đề quan trọng, đó là công tác sắp xếp, bố trí và tuyển chọn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý ở đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã mới sau khi sắp xếp.
Bởi khi sáp nhập 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh, thành có nghĩa là có 29 bí thư, chủ tịch cấp tỉnh và hàng trăm giám đốc sở, ngành cùng cấp phó cần sắp xếp lại. Không tổ chức cấp huyện có nghĩa là 696 bí thư, chủ tịch cấp huyện và hàng ngàn cấp phó cần bố trí, giải quyết. Sáp nhập 10.035 xã còn khoảng 5.000 xã tức là hơn 5.000 bí thư, chủ tịch xã cũng cần phải tính toán.
Ngoài ra, hàng trăm nghìn công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng là những người cần được quan tâm giải quyết công việc, chế độ chính sách khi sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã.
Đây là một bài toán đặt ra không hề đơn giản nhưng cũng là cơ hội để Đảng, Nhà nước sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, công chức, chọn những người ở lại giữ trọng trách quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thành hay bại trước hết và xét đến cùng là ở yếu tố then chốt - con người, cán bộ. Từ việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm, tham nhũng, tiêu cực thời gian qua giúp chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm và cũng đặt ra yêu cầu kiên quyết, dứt khoát phải loại bỏ những cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh khắc chế “lòng tham” để lựa chọn những cán bộ có “ham muốn” đổi mới, phát triển.
Đây cũng là cơ hội loại bỏ những cán bộ không biết sợ, cố tình vi phạm hoặc không dám làm, né tránh, đùn đẩy để lựa chọn được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, với động cơ trong sáng, không vụ lợi.
Vì vậy cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này còn là cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Có như vậy, con đường bước vào kỳ nguyên mới của dân tộc Việt Nam mới thành công.
TS Lê Văn Hạnh (Ban Nội chính Trung ương)