Hàng ngàn lao động TP Hồ Chí Minh gặp khó vì quy định cách ly của tỉnh Đồng Nai
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng ngàn lao động tại TP Hồ Chí Minh sẽ gặp khó nếu áp dụng theo văn bản cách ly của tỉnh Đồng Nai.
Chiều tối 4/6, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, ông Dương Anh Đức cho biết, những ngày gần đây, nhiều địa phương đã có văn bản về việc thực hiện cách ly người về từ TP Hồ Chí Minh và mới đây nhất là của tỉnh Đồng Nai.
“Nếu thực hiện đúng theo văn bản này, các công nhân khi về Đồng Nai phải bị cách ly 21 ngày. Như vậy, nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp đang sản xuất của TP Hồ Chí Minh sẽ gặp vấn đề rất lớn. Ngoài ra, việc này còn tạo ra một số ách tắc trong giao thông, vận chuyển”, ông Dương Anh Đức nói.
Theo ông Dương Anh Đức, với văn bản của tỉnh Đồng Nai, sẽ có khoảng 6.000 người lao động làm việc tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại TP Hồ Chí Minh hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn.
Để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, ông Dương Anh Đức đã giao Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Y tế nghiên cứu tình hình thực tế và văn bản do tỉnh Đồng Nai ban hành để tham mưu khẩn cấp cho UBND TP Hồ Chí Minh có công văn trao đổi, nhằm giải quyết vấn đề này một cách hợp lý nhất, tránh để ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Chiều tối 4/6, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cũng đã có công văn hỏa tốc gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện công văn số 6180/UBND- GVX (công văn 6180) của UBND tỉnh Đồng Nai.
Theo Hepza, hiện các KCX, KCN thành phố có khoảng hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hằng ngày, họ di chuyển đến các khu KCX, KCN: Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam (thuộc TP Hồ Chí Minh) để làm việc. Đồng thời, có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cụm cảng Cái Mép Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong các KCN, KCX thành phố.
"Việc thực hiện các nội dung nêu tại công văn 6180 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn; khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCX, KCN tại TP Hồ Chí Minh", đại diện Hepza cho biết.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 phải đạt mục tiêu kép là vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch. Vì vậy, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đề xuất giải pháp là hàng ngày người lao động đi hoặc về Đồng Nai phải xuất trình "Thẻ nhân viên" hay chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc Giấy chứng nhận xét nghiệm y tế có kết quả âm tính (vì có doanh nghiệp đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân) khi đi qua các chốt kiểm dịch để có thể về TP Hồ Chí Minh làm việc bình thường.
Sáng 4/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản hỏa tốc quy định từ 0 giờ ngày 5/6 áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) thời gian 21 ngày đối với tất cả những người từ TP Hồ Chí Minh về/đến Đồng Nai (trừ các trường hợp áp dụng biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế); đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 (người cách ly trả phí).