Hàng ngàn lượt người tham gia bảo vệ bờ biển Cửa Đại
Trước tình trạng bờ biển Cửa Đại (P. Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng, ngày 19-10 đến nay, chính quyền TP Hội An đã huy động người dân phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương vận chuyển bao cát kè những điểm xung yếu tại bờ biển này nhằm góp phần hạn chế sạt lở.
Trước tình trạng bờ biển Cửa Đại (P. Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng, ngày 19-10 đến nay, chính quyền TP Hội An đã huy động người dân phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương vận chuyển bao cát kè những điểm xung yếu tại bờ biển này nhằm góp phần hạn chế sạt lở.
Khẩn trương bảo vệ bờ biển
Chiều 21-10, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, trước tình hình bờ biển Cửa Đại sạt lở nghiêm trọng do sóng đánh mạnh, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng như Bộ đội, Công an, BĐBP, thanh niên tình nguyện, sinh viên một số trường và người dân địa phương xúc cát vào bao vận chuyển ra bờ biển để tạo thành bờ đê chắn sóng. Theo đó trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người tham gia. Có 4 điểm sung yếu nhất cần phải kè gấp, đến nay khối lượng công việc đạt khoảng 50% yêu cầu đề ra. Số cát trên được lấy từ nguồn cát của thành phố chứ không lấy cát tại chỗ. Chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng phấn đấu đến cuối tuần này sẽ xử lý xong 4 điểm nguy hiểm trên. “Việc làm trên là hành động cấp thiết, chống những điểm yếu nhằm không để sạt lở xâm thực sâu vào đất liền. Còn dự án xây dựng bờ kè tổng thể là do tỉnh thực hiện. Do dự án trên đã được triển khai thực hiện nhưng chưa được đồng bộ nên công trình chưa phát huy được hiệu quả”- ông Hùng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Thế Hùng thông tin thêm, mục tiêu các dự án hướng đến tái tạo bờ biển, phục hồi các bãi tắm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cho người dân và du khách. Ngoài ra, thời gian qua thành phố cũng lập dự án kè mềm bờ sông đoạn qua xã Cẩm Kim giai đoạn 2 với chiều dài hơn 700m, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng, nhưng do dịch Covid-19 bùng phát, kinh phí thiếu nên chưa thể triển khai.
Điều đáng nói, ngoài lực lượng chức năng cùng người dân địa phương tham gia còn có một số du khách nước ngoài cũng chung tay góp sức. Có mặt tại buổi gia cố bờ kè, anh Trần Anh Khoa- giám đốc một doanh nghiệp du lịch ở Hội An cho hay: “Sáng nay mình tham gia cùng lực lượng quân đội, công an, dân phòng, người dân, một số người bạn và cả các khách nước ngoài đang sống và bị mắc kẹt ở Hội An. Tinh thần ai cũng hăng hái tham gia giúp gia cố lại kè biển Cửa Đại vì nguy cơ biển Cửa Đại bị xé toạc thành cửa biển như 30 năm về trước là rất lớn. Nếu để mất Cửa Đại thì sẽ có nhiều nguy khốn khó lường…”
Phân bổ 200 tỷ đồng để chống sạt lở
Liên quan đến dự án chống sạt lở trên, mới đây ngày 28-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 2647/QĐ-UBND về việc phân bổ nguồn ngân sách trung ương năm 2020 cho dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Theo đó, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương 200 tỷ đồng cho BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh (BQL NN&PTNT) để triển khai thực hiện dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Theo đó UBND tỉnh Quảng Nam giao BQL NN&PTNT tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kế hoạch vốn được phân bổ đúng mục đích, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn được giao theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cắt giảm, điều chuyển vốn cho các địa phương khác do không giải ngân theo thời hạn quy định.
Trong khi đó, ông Võ Văn ĐiềmGiám đốc BQL NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, bờ biển Cửa Đại dài 7,5 km. Hiện nay đơn vị đang thực hiện dự án đê ngầm 220m với vốn đầu tư 40 tỷ đồng cơ bản đã xong. Tuyến đê ngầm được xây dựng để chắn phá sóng từ xa khu vực biển Cửa Đại. Tuyến được làm từ đá hộc, bê-tông… xếp chồng lên nhau chiều cao trung bình 4,5m, đỉnh đê nằm dưới mặt nước khoảng 1,5m; chân đế rộng 12m, chóp đê rộng 1,5m. Sau đó, bơm cát vào để nuôi bãi.
Công trình đê ngầm chắn sóng trên chỉ là gói thầu nhỏ trong dự án tổng thể bảo vệ bờ biển Hội An (kéo dài từ Cửa Đại về hướng bắc 5km) đã được Chính phủ thống nhất phê duyệt, kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu ngân sách trung ương và vốn vay của AFD. Dự kiến, đến năm 2025 dự án hoàn thành, nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên giai đoạn đầu chỉ sử dụng nguồn vốn trung hạn (khoảng 40 tỷ đồng) để triển khai gói thầu nhỏ. “Sang năm chúng tôi tiếp tục thực hiện 1km từ nguồn vốn Trung ương đã được phê duyệt 300 tỷ đồng”, ông Điềm nói và để thực hiện dự án đê ngầm này dài 7,5 km ở biển Cửa Đại thì hết khoảng 2.000 tỷ đồng.
Được biết từ năm 2000 đến nay bờ biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất, khu nghỉ dưỡng bị sóng đánh chìm. Hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, doanh nghiệp bỏ ra chống sạt lở nhưng không đem lại hiệu quả cao. Nhiều hội thảo về tình trạng biển xâm thực bãi Cửa Đại đã được tổ chức. Các nhà khoa học nhận định, nguyên nhân xói lở chủ yếu do thay đổi cán cân bùn cát. Nguồn cát cung cấp cho bờ biển trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đang thiếu hụt do những con sông có quá nhiều thủy điện. Ngoài ra, còn các ý kiến nêu nguyên nhân do dòng chảy hoặc do tác động của con người.