Hàng ngàn tàu cá chật vật tìm nơi neo đậu

Hiện các cảng ở Quảng Ngãi chỉ đáp ứng được nhu cầu neo đậu của khoảng 1/3 tàu cá toàn tỉnh nên phần lớn tàu bè khi đánh bắt trở về phải cập cảng ở nơi khác

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có đội tàu cá lớn nhất khu vực miền Trung, với hơn 4.500 tàu lớn nhỏ. Sản lượng khai thác hải sản hằng năm của tỉnh này thuộc tốp đầu cả nước (269.000 tấn trong năm 2022) nhưng phần lớn các tàu cá khi đánh bắt trở về đều vất vả tìm chỗ neo đậu.

Mất ăn mất ngủ

Đưa tay chỉ về con tàu đang neo đậu tạm bợ ở sông Cáp Gia (thuộc nhánh sông Trà Bồng), ngư dân Nguyễn Mía (ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết khó khăn lớn nhất của bà con ngư dân Bình Chánh là không có chỗ neo đậu tàu thuyền sau khi đánh bắt trở về. "Đặc thù nghề câu mực của ngư dân xã Bình Chánh là tàu luôn được trang bị giàn phơi mực nên tàu to, khá cồng kềnh. Trong khi đa phần các cảng ở Quảng Ngãi khi tàu lớn cập vào rất khó khăn, dễ xảy ra va đập khiến tàu hư hỏng, luồng lạch để tàu vào cảng chật hẹp, lại quá cạn, dễ xảy ra tai nạn khi tàu cá đi vào… Bởi vậy, tàu câu mực của bà con ngư dân chúng tôi trở về thường cập vào các cảng ở Đà Nẵng hoặc Bình Định bán hải sản, sau đó về neo đậu tạm bợ ở các nhánh sông" - ông Mía cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Pháo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, cho hay toàn xã Bình Chánh có 130 tàu cá có chiều dài trên 15 m nhưng trên địa bàn không có cảng nào để các tàu cá này neo đậu. "Bà con đánh bắt trở về thường bán hải sản ở các địa phương khác, rồi neo đậu luôn ở đó. Còn nếu nhà nào cho tàu chạy về cũng cập tạm bợ ở các mé sông, nhánh sông. Nhiều lúc mưa bão, lũ từ thượng nguồn các nhánh sông đổ về, trong khi tàu neo đậu tạm bợ, khiến người dân rất lo lắng, mất ăn mất ngủ" - ông Pháo nói.

Tương tự, ngư dân Phạm Văn Thanh (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), kể sau mỗi chuyến biển trở về, "ngán" nhất là tìm chỗ neo đậu tàu thuyền. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - bức xúc nói tình trạng thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền đã là chuyện "nhức nhối" của ngư dân Bình Châu bao lâu nay. Theo ông Hùng, trong điều kiện thời tiết bình thường, đa phần bà con ngư dân ở Bình Châu đều neo đậu tàu thuyền ở các bãi ngang ven biển. Còn nếu thời tiết có gió bão, bà con phải chạy khắp nơi tìm chỗ neo đậu nên đối mặt với rất nhiều rủi ro. Tình trạng này, ngoài việc kéo theo chi phí của chủ tàu tăng cao, còn khiến các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu cá cập cảng cũng bị sụt giảm do quá ít tàu cập cảng.

Nhiều tàu cá ngư dân Quảng Ngãi phải neo tạm bợ trên các nhánh sông

Nhiều tàu cá ngư dân Quảng Ngãi phải neo tạm bợ trên các nhánh sông

Chỉ đáp ứng 30% số lượng tàu cá

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cảng, trong đó 2 cảng cá là Sa Huỳnh và Tịnh Kỳ, 3 cảng neo trú tàu thuyền gồm: Lý Sơn, Mỹ Á và Tịnh Hòa, bảo đảm cho 1.750 tàu thuyền neo đậu, chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh.

Ông Trần Lê Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận phần lớn các cảng cá ở Quảng Ngãi hiện không đáp ứng được nhu cầu tàu thuyền. "Quảng Ngãi có lợi thế đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, sản lượng khai thác hằng năm đứng tốp đầu cả nước. Nhưng lợi thế đó, Quảng Ngãi chưa phát huy được. Muốn phát huy tối đa lợi thế này, tỉnh cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng các cảng, có chính sách phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá, khai thác gắn với chế biến... Như vậy, mới thu hút được tàu đánh bắt trở về" - ông Sơn nói.

Cảng neo trú Tịnh Hòa luôn quá tải khiến nhiều tàu cá không thể neo đậu

Cảng neo trú Tịnh Hòa luôn quá tải khiến nhiều tàu cá không thể neo đậu

Thực tế trong những năm qua, do nguồn kinh phí hạn chế, tỉnh Quảng Ngãi không cân đối được nguồn ngân sách nên hạ tầng các cảng cá ít được đầu tư, nâng cấp. Điều này dẫn đến hầu hết cảng không được mở rộng, chưa đáp ứng được các tiêu chí về cảng loại I, loại II theo quy hoạch.

Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng các cảng cá cũng như khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh ít được đầu tư về hạ tầng. Do vậy, số lượng tàu thuyền công suất lớn sau khi vươn khơi trở về không có chỗ neo đậu nên không về cảng trong tỉnh để xuống cá mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh không phát triển.

"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng cá của tỉnh, nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn cũng như thẻ vàng mà EC đưa ra" - ông Hồ Trọng Phương nói.

Cảng cá gần 200 tỉ đồng không phát huy hiệu quả

Trong khi khắp nơi ở tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền, tại cảng cá sông Trà Bồng dù được hoàn thành 10 năm qua nhưng hầu như không phát huy tác dụng. Cảng này do Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 184 tỉ đồng. Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2013. Thế nhưng khi dự án này đưa vào hoạt động, tàu có chiều dài hơn 15 m của ngư dân ở địa phương không vào neo đậu được tại đây, mà đa số chỉ là tàu cá loại nhỏ. Hiện cảng cá sông Trà Bồng tồn tại hàng loạt bất cập như không có diện tích vùng nước cảng, không bảo đảm diện tích vùng đất cảng, không bảo đảm độ sâu luồng và vùng nước trước cầu cảng để tàu cá có chiều dài 15 m trở lên ra vào, không có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và hệ thống PCCC...

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/hang-ngan-tau-ca-chat-vat-tim-noi-neo-dau-2023040420255295.htm