Hàng nghìn cây mai lén mọc trên ruộng, cản trở thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Nhiều hộ dân trồng mai trên đất làm cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột yêu cầu đề bù cây cối mới giao đất cho dự án. Điều này khiến nhà thầu phải thi công gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải thuê đất làm đường công vụ.
Mở 600m đường để đi vòng qua ruộng 4 hộ trồng mai
Giữa tháng 9, có mặt tại vị trí Km 9+500, đoạn tuyến mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (thôn Tân Phong, xã Ninh Xuân, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa), PV ghi nhận, nhà thầu đã thi công bóc phong hóa hai đầu, xen giữa là một đoạn ruộng dài hàng trăm mét của người dân cỏ vẫn mọc tươi tốt.
Ông Nguyễn Thanh Tiềm, Phó giám đốc Điều hành thi công dự án (Tập đoàn Sơn Hải) cho biết, đoạn tuyến này đang phải thi công bị "chặt khúc" là do vướng bốn hộ dân trồng mai. Địa phương và nhà thầu đã nhiều lần vận động người dân giao đất nhưng không thành. Do vậy, nhà thầu nhiều tháng nay không thể thi công liền mạch.
"Một tuần trở lại đây, nhà thầu phải đi thuê đất của 8 hộ dân khác để làm đường công vụ dài khoảng 600m, đi vòng qua đất của bốn hộ dân trồng mai để thi công", ông Tiềm nói.
Được biết, vào tháng 3/2023 (trước thời điểm khởi công cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột 3 tháng), UBND xã Ninh Xuân, TX Ninh Hòa đã phát hiện nhiều hộ dân trồng cây mai trái phép trên đất thuộc phạm vi GPMB của dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Kiểm tra có đến 13 trường hợp trồng cây mai trên đất lúa và yêu cầu đền bù cây trồng. Quá trình giải thích vận động, có 9 hộ dân đồng ý giao đất cho chính quyền để thực hiện dự án. Bốn hộ còn lại không đồng thuận và yêu cầu bồi thường số lượng cây mai đã trồng.
Được biết, các hộ dân đã trồng cây mai trên đất lúa trong phạm vi dự án có chiều cao 30-40cm, với mật độ dày đặc, cách nhau 15-20cm. Một số hộ cũng đã khoan giếng và tập kết vật tư để chuẩn bị xây dựng công trình trái phép. Hiện nay, diện tích vướng mắc của bốn hộ trồng mai lên đến hơn 25.000m2 đất, nằm trong phạm vi bàn giao mặt bằng dự án.
Ông Nguyễn Văn Tiên, ở thôn Tân Phong, xã Ninh Xuân (một trong bốn hộ trồng mai) cho rằng, năm 2021, ông thuê 1.200m2 đất của người cùng thôn, với thời gian bốn năm để trồng lúa. Đầu tháng 3/2023, ông Tiên bắt đầu trồng 2.000 cây mai, cao khoảng nửa mét trên diện tích đất đã đi thuê.
Ông Tiên cũng thừa nhận, ông trồng mai trên đất trồng lúa và không thông báo cho chính quyền địa phương và trưởng thôn.
"Thời điểm trồng mai, tôi không nghe thông tin gì về dự án cao tốc. Ngoài tôi ra còn có một số người khác cũng trồng mai trên đất lúa", ông Tiên cho biết.
Ảnh hưởng 8km thi công
Ông Võ Hương, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, TX Ninh Hòa cho hay, xã Ninh Xuân chưa bao giờ có kế hoạch cho người dân trồng mai. Người dân tự phát trồng thì xã đã ngăn chặn. UBND xã Ninh Xuân đã nhiều lần tuyên truyền và vận động các hộ gia đình nêu trên, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án và yêu cầu họ sớm giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
"Số lượng nhiều bất thường, đến mấy chục nghìn cây. Hiện, cây không còn trên đất ruộng, người dân cho rằng, khi cơ quan chức năng kiểm đếm xong, ghi vào biên bản và đã đưa cây đi chỗ khác. Địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm, nhưng một số hộ dân vẫn khẳng định cây trồng của họ có từ trước khi dự án bắt đầu triển khai. Vấn đề này đã tạo ra khó khăn trong việc xử lý, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về sử dụng đất của người dân", ông Hương nói.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TX Ninh Hòa cho biết thêm, quá trình vận động có gần chục hộ trồng mai chỉ nhận tiền đền bù đất. Yêu cầu của bốn hộ dân trồng mai còn lại không đảm bảo pháp lí để thực hiện bồi thường cây cối. Hiện, chính quyền và các cơ quan liên quan tiếp tục bàn các giải pháp và vận động để các hộ dân trên sớm giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án cao tốc.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa (chủ đầu tư dự án) cho biết, mặt bằng đã bàn giao được 28/31,5km. Do vướng mắc diện tích đất của bốn hộ trồng mai nên cả đoạn tuyến 8km vẫn chưa thi công được. Đây là vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị thị xã Ninh Hòa tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận, ưu tiên bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đúng quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Ban Thường vụ Thị ủy Ninh Hòa chỉ đạo xác minh, làm rõ dấu hiệu trục lợi chính sách (nếu có), không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột Tuyến dài 117km, với gần 33km đi qua địa phận Khánh Hòa và 84km đi qua địa phận Đắk Lắk. Điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1 (TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía đông Buôn Ma Thuột (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk).
Dự án được chia thành ba dự án thành phần. Trong đó, UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 và 3. Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2.
Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 18/6/2023, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2027.