Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ các bộ, ngành, địa phương của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Qua thanh tra về lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành phố, thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020 qua thanh tra, kiểm tra các nội dung của Đề án về quản lý đất đai của UBND cấp huyện phát hiện: có 1.046 cấp xã và 63.194 trường hợp còn tồn tại, vi phạm về đất đai; có 108.366 trường hợp tại 43 tỉnh chưa thực hiện đúng quy định pháp luật đất đai và thực hiện thủ tục hành chính; cả nước đã phát hiện 1.741 trường hợp sai phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế và cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài KCN, CCN.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật /Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật /Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó vi phạm của cơ quan nhà nước 440 trường hợp; vi phạm của người sử dụng đất là 1.301 trường hợp. Cụ thể: 128 trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với 61.439,03 triệu đồng; 104 trường hợp sử dụng đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 208,2 ha; sử dụng đất vượt diện tích đất được giao cho thuê 109 trường hợp với diện tích 1743,9 ha; sử dụng đất không đúng mục đích 223 trường hợp với diện tích 9.788,5 ha; không sử dụng đất đã quá 12 tháng là 177 trường hợp với diện tích 2.699,2 ha; tiến độ đầu tư xây dựng chậm quá 24 tháng là 246 trường hợp với diện tích 9.064,4 ha; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại trái quy định của pháp luật 105 trường hợp với diện tích 209,4 ha; vi phạm khác 209 trường hợp với diện tích 6.059,5 ha...

Báo cáo cũng cho thấy có hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm. Tổng hợp báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2016-2021 số dự án chậm tiến độ như sau: năm 2016 là 1.448 dự án, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Trong đó đáng chú ý hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ, điển hình là: Dự án tuyến đường sắt thí điểm Thành phố, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên; Tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương,...

Nhiều dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Đơn cử như tỉnh Bình Dương: 55 dự án chậm tiến độ; 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; 225 lượt dự án được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, trong đó có 109 lượt dự án phát hiện có sai phạm với tổng số tiền thực hiện không phù hợp được các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý là trên 442 tỷ đồng.

Dự án nhóm B nhưng kéo dài quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm như tỉnh Thanh Hóa có dự án nhóm B kéo dài 13 năm Dự án đê, kè biển xã Hải Châu, tỉnh Thanh Hóa; tỉnh Long An có 17 dự án nhóm B bố trí vốn kéo dài từ 6 đến 17 năm, 15 dự án nhóm C bố trí vốn kéo dài từ 4 đến 9 năm...

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương hàng trăm dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có rất nhiều dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795,2 tỷ đồng.

Một số địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều như: Bắc Giang năm 2018 có 196 dự án và 864 dự án năm 2020; Thanh Hóa năm 2019 có 52 dự án, năm 2020 có 19 dự án, năm 2021 có 90 dự án; Phú Thọ năm 2018 có 111 dự án; Quảng Ngãi năm 2018 có 58 dự án; Lạng Sơn năm 2021 có 48 dự án; Hà Tĩnh năm 2020 có 34 dự án; Sơn La năm 2019 có 33 dự án; Nghệ An năm 2019 có 20 dự án,...

Cũng theo báo cáo, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn.

Đối với chỉ tiêu đất chưa sử dụng, kết quả thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) tăng cao tại 5/6 địa phương có số liệu báo cáo. Tổng diện tích đất chưa sử dụng thời điểm 31/12/2020 tại 5 địa phương là 11.258 ha, so với chỉ tiêu được phân bổ (7.452 ha), bình quân tăng 151,07%. Nhiều công trình, dự án trong năm kế hoạch không triển khai.

Việc thực hiện chỉ tiêu đất chưa sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tăng cao tại nhiều địa phương. Theo báo cáo đây là hệ quả của tình trạng “dự án treo”, treo sau khi đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thực hiện được, phải tuyên bố (quyết định) hủy bỏ phát sinh khá nhiều và tại tất cả các địa phương trong cả nước. Gồm các dự án đầu tư công không bảo đảm kinh phí thực hiện dự án đầu tư; các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách, nhà đầu tư khi đăng ký nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư không phù hợp với khả năng và nguồn lực của mình, nên sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư thì dự án không triển khai được “dự án treo”, buộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải quyết định hủy bỏ dự án đầu tư trong kế hoạch sử dụng đất.

Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát có báo cáo thông tin, số liệu này (TP HCM, Hà Nội, các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang và Ninh Bình. Các địa phương còn lại không có báo cáo thông tin, số liệu này) trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, số công trình, dự án phải tuyên bố hủy bỏ (dự án treo) do sau 3 năm không triển khai thực hiện (theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai), đã có 1.739 công trình, dự án đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.013 ha.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ các bộ, ngành, địa phương của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ cả giai đoạn chỉ có 286.300 triệu đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/hang-nghin-du-an-cham-tien-do-su-dung-dat-sai-muc-dich-vi-pham-phap-luat-670129.html