Hàng nghìn du khách thích thú với trải nghiệm đa sắc màu tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023
Từ hành trình tuyến tàu di sản kết nối 3 nhà ga: Ga Hà Nội, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm đến việc trải nghiệm khu trưng bày Tháp nước Hàng Đậu, triển lãm nghệ thuật tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một trong các hoạt động đặc sắc, đánh thức giá trị di sản công nghiệp trong đời sống đương đại.
Bất ngờ vẻ đẹp mê hoặc của Tháp nước Hàng Đậu
Tối 17/11, tuyến tàu “Hành trình di sản” kết nối 3 nhà ga tại Hà Nội: Ga Hà Nội, Ga Gia Lâm, Ga Long Biên đã chính thức lăn bánh tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Đây là tuyến tàu đặc biệt mang lại cho du khách trải nghiệm đáng nhớ, lưu giữ ký ức về các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi tại Hà Nội. Trong đời sống thường nhật, các công trình kiến trúc hiện hữu như biểu tượng di sản công nghiệp Thủ đô, nay được thay áo mới bởi các thiết kế đầy tính sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên trạng giá trị di sản công nghiệp.
Dịp này, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tổ chức tuyến tàu hỏa từ nhà ga Long Biên qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để thưởng thức Lễ hội. Tổng Cty Đường sắt sẽ tăng cường các toa tàu nghệ thuật “đặc biệt” với sự tham gia của các nghệ sỹ trên các toa tàu, sẽ tạo nên ấn tượng cho những người trải nghiệm.
Với tinh thần sáng tạo, gần 200 nghệ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân đã có quá trình chuẩn bị công phu, kéo dài nhiều tháng liền để sáng tạo những mô hình kiến trúc nghệ thuật, tương tác với du khách.
Lần đầu tiên, người dân và du khách Hà Nội được tham quan Tháp nước Hàng Đậu sau hàng chục năm “cửa đóng, then cài”. Công trình kiến trúc được xây dựng năm 1894, còn có tên gọi dân dã là Bốt Hàng Đậu. Công trình nằm ở ngã sáu các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng. Đây là một trong những công trình kiến trúc lịch sử lâu đời, biểu tượng của TP Hà Nội.
Nằm trong chuỗi hoạt động chính của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tháp nước Hà Nội được kiến trúc sư Cao thế Anh và các cộng sự cải tạo, trưng bày thành không gian nghệ thuật đặc sắc với triển lãm “Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu”.
Ngày đầu tiên mở cửa, Tháp nước Hàng Đậu thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Có thời điểm người dân phải xếp hàng dài, chờ đến lượt vào tham quan. Đa số ý kiến bày tỏ sự hài lòng, bất ngờ khi được tham quan công trình kiến trúc lịch sử với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng vô cùng sống động.
Bà Lê Thị Linh (phố Hàng Than, quận Ba Đình) chia sẻ: “Khi biết thông tin Tháp nước Hàng Đậu mở cửa, người dân sinh sống trên địa bàn rất háo hức, đón chờ. Công trình kiến trúc từng là địa điểm, không gian công cộng của những người dân phố cổ, từng gắn bó thời thơ ấu của nhiều thế hệ, trải qua hơn một trăm năm thăng trầm, đến nay công trình kiến trúc lịch sử tạm dừng công năng chính là nơi cấp nước cho người dân phố cổ để khoác lên sứ mệnh lịch sử khác là giá trị di sản công nghiệp Thủ đô. Sau gần 5 phút tham quan, chúng tôi cảm thấy bên trong Tháp nước được thiết kế rất đẹp, tinh tế, tạo hiệu ứng cao về âm thanh, ánh sáng. Chúng tôi rất mong Tháp nước Hàng Đậu sẽ được mở cửa kéo dài không chỉ hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023”.
Cùng chia sẻ niềm vui khi được tham quan công trình kiến trúc lịch sử, em Nguyễn Phương Quỳnh (Nha Trang) cho biết, từ sự tò mò, háo hức ban đầu về Tháp nước Hàng Đậu ngày đầu tiên mở cửa đến khi được chứng không gian bên trong được thiết kế đẹp mắt, độc đáo. Những chiếc túi nilon với nhiều màu sắc được thiết kế như những giọt nước chảy, cùng với tiếng róc rách của giọt nước thực tại mang đến sự trải nghiệm vô cùng ấn tượng. Em đã đi khoảng 2 vòng Tháp nước để có được những trải nghiệm trọn vẹn hơn.
Gần 12h trưa ngày 17/11, có rất đông du khách vẫn xếp hàng chờ đợi, nhiều đoàn khách tiếc nuối phải ra về khi được thông báo hết giờ vào tham quan. Trước sự chỉ dẫn tận tình của các bạn tình nguyện viên dự án, các du khách bày tỏ sẽ chờ đợi và quay lại địa điểm vào khung giờ đón khách buổi chiều 13h30 trong ngày.
Một tình nguyện viên của triển lãm “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” cho biết, đông đảo người dân và du khách thể hiện sự hài lòng, ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của các nghệ sĩ về thiết kế không gian nghệ thuật đặc sắc. Một vài trường hợp bày tỏ việc họ phải chờ đợi xếp hàng rất lâu để được tham quan.
Đánh thức giá trị di sản công nghiệp “ngủ quên” một thời
Là địa điểm chính tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm diễn ra phong phú các hoạt động nghệ thuật, triển lãm, trưng bày, hội chợ.
Điểm nhấn là các không gian Pavilion và triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho Lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.
Trong đó, triển lãm “Kiến trúc, nhà máy và vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” do kiến trúc sư Mai Hưng Trung, sáng lập của tổ chức Hanoi Ad hoc thiết kế, gồm 5 khu vực do Hà Nội Ad Hoc, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đồng thực hiện. Triển lãm đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội và khai phá tinh thần kiến tạo giá trị văn hóa mới mẻ.
Pavilion kiến trúc ngoài trời “Bến chờ” do kiến trúc sư Lê Quang Thạch - Công ty kiến trúc nội thất AVALO thiết kế, được đặt tại khu vực sân Cầu lăn chìm của nhà máy. “Bến Chờ” có chức năng làm công trình biểu trưng cho Lễ hội và là sân khấu chính của các sự kiện. Thiết kế pavilion kiến trúc “Bến chờ” được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà Ga đường sắt, nơi trung chuyển, nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức, những cuộc gặp gỡ, đoàn tụ…
Pavilion “Kiến trúc & Nghệ thuật tại Phân xưởng Nóng” do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang - TOOB studio thực hiện sẽ trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng, cũng như cung cấp chuỗi tư liệu hình ảnh của các cơ sở công nghiệp khác ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú. Trong đó, các hoạt động trình diễn nghệ thuật với chủ đề “Dòng chảy” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, sẽ là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay “âm cảnh ga Hà Nội” là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc.
Hoạt động Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân.
Bên cạnh đó còn các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống Gốm, mây tre đan Phú Vinh tham gia, hứa hẹn mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho đội ngũ thiết kế trẻ.
Phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội nghìn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, thành phố vì hòa bình, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng (gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề), Hà Nội cũng là nơi hội tụ nhiều di sản công nghiệp của cả nước.
Từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng thành phố sáng tạo, nổi bật là “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội”.