Hàng nghìn gia súc từ Australia đến Israel mắc kẹt trên biển
Căng thẳng tại Biển Đỏ có thể khiến ngành xuất khẩu gia súc của Australia thiệt hại nặng nề, khi quá trình di chuyển bị gián đoạn trên biển.
Theo hãng CNN, mối lo ngại đang gia tăng đối với hàng nghìn con cừu và gia súc bị mắc kẹt ngoài khơi Australia sau khi chính phủ Australia yêu cầu cho tàu vận chuyển hàng hóa sống đến Israel phải quay trở về nước vì lo ngại leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ.
Con tàu đã rời cảng ở Australia vào ngày 5/1 để đi đến Israel - nơi hàng hóa được dỡ xuống. Nhưng tàu đã phải chuyển hướng vào giữa tháng 1 vì các đe dọa tấn công của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen.
Hơn 16.000 động vật đang ở trên tàu MV Bahijah neo đậu ngoài khơi Tây Australia khi thời tiết nắng nóng đang gây thêm áp lực lên chính phủ Australia trong việc quyết định có nên tái xuất hàng sống hay cho phép tàu quay trở lại bến cảng sau hơn 3 tuần lênh đênh trên biển.
Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia hôm 31/1 cho biết đang xem xét yêu cầu từ nhà xuất khẩu về việc dỡ bỏ một số động vật tạm thời trước khi tái xuất phần còn lại.
Những người ủng hộ quyền lợi động vật nói rằng việc dỡ bỏ chúng là một vấn đề cấp bách.
Hoạt động thương mại xuất khẩu động vật sống của Australia từ lâu đã gây nhiều tranh cãi khi nhiều ý kiến cho rằng ngành này đang ưu tiên doanh thu hơn phúc lợi động vật. Chính phủ Australia đã cam kết chấm dứt xuất khẩu cừu sống nhưng vẫn chưa đưa ra thời gian biểu về thời điểm điều đó sẽ xảy ra.
Chuyến đi dài ngày của tàu MV Bahijah
Theo tuyên bố từ chính phủ Australia, tàu MV Bahijah đã rời cảng Fremantle ở Tây Australia vào ngày 5/1 để đến Trung Đông.
Một cuộc khủng hoảng đã bao trùm tuyến đường vận chuyển quan trọng của Biển Đỏ trong khu vực vào những tuần gần đây, khi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen tấn công các tàu thương mại do căng thẳng leo thang ở dải Gaza.
15 ngày sau hành trình của con tàu, tàu được yêu cầu chuyển hướng đi vòng quanh châu Phi, giống như cách đã làm với các con tàu khác để tránh tên lửa và máy bay không người lái của Houthi.
Tuyên bố của Chính phủ Australia hôm 20/1 cho biết để đảm bảo sức khỏe và phúc lợi cho vật nuôi trên tàu MV Bahijah, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia đã chỉ đạo nhà xuất khẩu trả lại lô hàng ngay lập tức.
Đầu tuần này, Chính phủ Australia cho biết họ đang làm việc với nhà xuất khẩu để đưa ra kế hoạch phù hợp, nhưng đến ngày 31/1, khi nhiệt độ mùa hè tăng lên, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Ông John Hassell, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Tây Úc (WAFarmers), đại diện cho ngành nông nghiệp của bang cho rằng quyết định lẽ ra phải được đưa ra từ vài ngày trước.
"Tôi đã nghĩ rằng Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia đáng lẽ phải sắp xếp mọi việc kỹ càng trước khi đến đây. Nếu động vật ở trong tình trạng tốt, không có bệnh tật thì chúng tôi sẽ tiếp tế cho tàu", ông John Hassell nói thêm.
Ông Hassell cho biết đã nhận được những bức ảnh từ chủ tàu và hiện các con vật trong tình trạng tốt, trái ngược với những lo ngại rằng điều kiện đang xấu đi.
Mối quan ngại nghiêm trọng
Bà Suzanne Fowler, Giám đốc khoa học của Hiệp hội phòng chống ngược đãi động vật Hoàng gia (RSPCA) cho biết đây là vấn đề cấp bách. Những con vật này hiện đã ở trên tàu tối thiểu 26 ngày. Nhiệt độ ở Perth hôm nay bắt đầu chạm tới 40 độ (102 độ F).
"Bằng chứng cho chúng ta biết rằng phúc lợi của động vật sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày tới do thời gian chúng ở trên tàu quá lâu. Vì vậy, đây là việc rất khẩn cấp", bà Suzanne Fowler nói.
Trong bản cập nhật hôm 31/1, Bộ Nông nghiệp Australia ghi nhận các báo cáo từ bác sĩ thú y trên tàu "cho thấy vật nuôi vẫn có sức khỏe tốt".
Tuy nhiên, theo ông Hassell từ WAFarmers, việc dỡ vật nuôi xuống sẽ chỉ khiến chúng căng thẳng hơn. Nếu được phép lên bờ, số động vật này sẽ phải chịu sự quản lý của hệ thống an toàn sinh học nghiêm ngặt của Australia, được thiết kế để đảm bảo với các nước nhập khẩu rằng vật nuôi của nước này không mắc bệnh.
Mark Harvey-Sutton, Giám đốc điều hành của Hội đồng các nhà xuất khẩu chăn nuôi Australia cũng cho rằng bất kỳ động vật nào rời khỏi tàu sẽ được đưa vào kiểm dịch trước khi tái xuất hoặc bị giết tại lò mổ Australia.
"Về cơ bản, hàng nghìn gia súc này sẽ bị cách ly vô thời hạn cho đến khi tìm được thị trường cho chúng", ông Mark Harvey-Sutton nói.
RSPCA đã yêu cầu cho phép một bác sĩ thú y độc lập lên tàu để đánh giá sức khỏe động vật. Theo bà Fowler, mặc dù hiện tại vật nuôi có thể không có dấu hiệu bị bệnh nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian.
"Sự căng thẳng về hướng giải quyết đối với loài động vật mắc kẹt trên biển sẽ chỉ gia tăng trong những ngày tới. Nhiều căn bệnh ở gia sức có thể xuất hiện mà bạn sẽ không phát hiện ra cho đến khi quá muộn", bà Fowler nói thêm.
Ngành xuất khẩu gia súc của Australia cũng bị đe dọa, khi ngành này mỗi năm gửi đi hàng trăm ngàn con vật đến Trung Đông. Israel hiện là thị trường trọng điểm cho ngành xuất khẩu động vật của Australia./.