Hàng nghìn giáo viên nghỉ việc có phải vì lương thấp?
Để giữ chân giáo viên không chỉ tăng thu nhập bằng việc cải cách tiền lương mà môi trường giáo dục trong mỗi trường học cũng phải thay đổi.
Làn sóng giáo viên nghỉ việc của giáo viên trong những năm qua chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Năm học 2022 - 2023, con số giáo viên nghỉ việc là 9.295 người. [1]
Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học , đặc biệt khi ngành giáo dục đang nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Có phải giáo viên nghỉ việc do lương thấp?
Một trong những nguyên nhân được xác định, giáo viên nghỉ việc nhiều là do thu nhập thấp. Điều này là hiển nhiên, không một ai phủ nhận.
Trong thực tế, một giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường, nếu xin được dạy hợp đồng ở một trường học, sau đó may mắn thi đỗ viên chức (gọi là thuận buồm xuôi gió) thì lương nhận được một tháng khoảng hơn 4 triệu đồng.
Tuy thế, số tiền này không được nhận hết mà còn phải trừ khá nhiều khoản. Ngoài những khoản trừ cố định như tiền công đoàn, tiền đảng phí (nếu là đảng viên), giáo viên còn nhiều khoản ủng hộ trên danh nghĩa tự nguyện. Cứ vài tháng sẽ có những khoản trừ nhiều như trừ một ngày lương đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, thiên tai, vì người nghèo…
Mặc dù các khoản đã ủng hộ tại trường nhưng về nhà, các đoàn thể, khu phố tiếp tục đi quyên góp những khoản tiền trên. Không ủng hộ với lý do đã trừ ở trường thì cuối năm trong bản nhận xét của khu phố sẽ có những dòng chữ “ít tham gia các hoạt động nơi cư trú” mà đóng góp thì chỉ một công việc lại ủng hộ tới 2 lần.
Như vậy, lương hơn 4 triệu đồng/tháng nhưng giáo viên được sử dụng thì ít hơn con số này.
Với giáo viên xa nhà, giáo viên đã có gia đình, đồng lương ít ỏi như vậy thì lòng yêu nghề đôi khi không thắng nổi.
Không ít gia đình cả 2 vợ chồng là giáo viên đành chọn giải pháp một người ở lại với nghề còn một người nghỉ việc để tập trung lo kinh tế gia đình.
Ngoài thu nhập thấp, môi trường làm việc cũng tác động đến quyết định bỏ nghề của giáo viên
Tình cờ, tôi gặp lại người đồng nghiệp cũ đang đi nộp hồ sơ xin chuyển trường. Đồng nghiệp này nói rằng: "Cô ơi! Tụi con hết chịu nổi với hiệu trưởng rồi! Lần này, nếu không chuyển được trường chắc con xin nghỉ việc".
Nói rồi giáo viên này kể, lên trường giảng dạy đã mệt mà nhìn thấy hiệu trưởng càng thấy mệt hơn. Những buổi họp hội đồng, gần như giáo viên chỉ cúi đầu để nghe những lời giáo huấn, chì chiết của lãnh đạo.
Những kế hoạch hiệu trưởng đưa ra gần như là mệnh lệnh. Giáo viên muốn yên ổn chỉ còn cách phục tùng làm theo. Nếu có thầy cô nào ý kiến trái chiều, giáo viên này sẽ được dự giờ đột xuất, góp ý tiết dạy kiểu "bới lông tìm vết", hồ sơ sổ sách cũng bị chê lên chê xuống.
Đã có những giáo viên thẳng tính, cương trực phải ra khỏi nghề vì chính họ không chịu thỏa hiệp cho học sinh lên lớp bằng mọi giá, bất chấp hiệu trưởng đã “bật đèn xanh’. Cương quyết báo cáo sĩ số học sinh bỏ học chứ không phải là chuyển trường để hợp thức hóa hiệu quả giáo dục.
Ở một số đơn vị, vì thế nhà trường bị hạ thi đua, giáo viên bị hiệu trưởng đưa vào diện “chống đối”. Nhiều năm như thế, không ít thầy cô chịu không thấu đành phải xin ra khỏi nghề.
Áp lực lớn từ phụ huynh và học sinh
Học sinh lớp nhỏ thì thầy cô luôn phải theo từng bước. Có em chẳng may bị té ngã hay bất ngờ bị bạn cấu cào cũng mệt với phụ huynh. Một cô giáo mẫu giáo chia sẻ, có bé lớp mầm bất cẩn ngã trong lúc ra chơi. Hai giáo viên trông lớp hôm ấy phải đứng cúi đầu xin lỗi phụ huynh, rồi tới tận nhà xin lỗi để không bị làm khó.
Thầy giáo Hùng, giáo viên dạy bậc trung học phổ thông tại một tỉnh phía Nam kể về chuyện mình xin ra khỏi nghề vì không thể chịu nổi áp lực từ nhiều phía.
Học sinh lớp thầy chủ nhiệm, có những em rất lười học, khi bị thầy nhắc nhở lại tìm cách “trả thù”. Có em cố tính nói lời bất kính để thầy cô nổi nóng, em khác mở sẵn máy điện thoại để ghi hình làm bằng chứng.
Học sinh cắt những đoạn nói hỗn với thầy mà chỉ để những đoạn thầy nổi nóng. Hình ảnh đoạn video đưa ra, ai cũng thấy cảnh thầy tát tai, chửi nặng lời với một số học sinh. Khi phụ huynh kiện, nhà trường, cấp trên không cần nghe lời giải thích (hoặc biết rõ thầy bị gài) cũng không dám đứng về phía thầy. Thầy buộc đi xin lỗi học trò, xin lỗi phụ huynh trong ánh nhìn đắc thắng của học sinh. Bất mãn, buồn chán, thầy đã xin nghỉ việc.
Một số giáo viên khác lại bị chính phụ huynh kiện đơn khắp nơi chỉ vì nổi nóng quát con họ trên lớp. Có phụ huynh xách gậy vào trường để đánh giáo viên…Nhiều giáo viên chọn cách an toàn nhất cho mình là không nghiêm khắc với trò, thỏa hiệp với lỗi sai của học sinh. Những thầy cô không thể chịu được áp lực thì xin ra khỏi nghề.
Không ít giáo viên cho rằng, dù lương không đủ sống nhưng có được môi trường giáo dục đúng nghĩa thì vẫn cố gắng bám trụ với nghề. Đằng này, thu nhập đã thấp, môi trường lại đầy áp lực sẽ dễ dẫn đến sự bất mãn và buông xuôi.
Từ thực tế cho thấy, để giữ chân giáo viên không chỉ tăng thu nhập bằng việc cải cách tiền lương mà mỗi trường học cũng cần có chỉnh đốn.
Thứ nhất, tổ chức thi các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chọn người đủ đức, đủ tài, công tâm trong làm việc để có được một môi trường giáo dục đúng nghĩa.
Thứ hai, giáo viên rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu và sự hợp tác giáo dục từ các bậc phụ huynh thay vì những chỉ trích không mang lại hiệu quả giáo dục với con em họ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/gan-9300-giao-vien-nghi-viec-trong-nam-hoc-2022-2023-post237003.gd