Hàng nghìn héc-ta hoa màu bị ảnh hưởng do hạn nặng
Từ đầu mùa mưa năm 2019 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, lượng mưa, dòng chảy ở các sông, suối thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì tổng diện tích hoa màu có khả năng hạn lên đến 1.239 héc-ta. Công tác phòng, chống hạn đang được triển khai quyết liệt trên toàn tỉnh.
NDĐT - Từ đầu mùa mưa năm 2019 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, lượng mưa, dòng chảy ở các sông, suối thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì tổng diện tích hoa màu có khả năng hạn lên đến 1.239 héc-ta. Công tác phòng, chống hạn đang được triển khai quyết liệt trên toàn tỉnh.
Đưa chúng tôi ra đồng ruộng của gia đình bị khô cằn, nứt nẻ do hạn, anh A Sang, làng Kon Hơ Ngo Klah, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum, chia sẻ: Nhà mình gieo lúa từ tháng 11-2019 đến nay bị khô hạn, mất trắng rồi. Năm nay nói chung là đói, nhà có năm sào ruộng thì giờ thả cho bò, ăn được gì thì ăn.
Tổng diện tích hoa màu bị hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay là hơn 475 héc-ta, tăng gần ba lần so cách đây 1 tuần, bao gồm: TP Kon Tum là 170 héc-ta (59 héc-ta lúa và 111 héc-ta cây công nghiệp); huyện Đăk Hà 86 héc-ta lúa; huyện Ngọc Hồi 15 héc-ta lúa; huyện Kon Rẫy 16 héc-ta lúa; huyện IaH'Dai 34 héc-ta (lúa 6,3 héc-ta; cây công nghiệp 27,5 héc-ta; ao nuôi cá 0,2 héc-ta); Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi 154 héc-ta (90 héc-ta lúa; 8 héc-ta cây công nghiệp; 56 héc-ta hoa màu).
Hồ C19, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô đã cạn nước.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân Điện tử, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng kỹ thuật, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum, cho biết: Hiện tại bên Ban Quản lý đang quản lý bảy trạm bơm trên, một trạm bơm chuyền và sáu trạm bơm nằm dọc trên sông Đăk Bla. Vào đầu mùa tưới, mức nước sông xuống thấp hơn bể hút, hai máy bơm tại trạm bơm Đăk Lếch, xã Ngọc Bay bị treo hoàn toàn, không hoạt động được. Trước mắt, Ban Quản lý lắp đặt một máy bơm điện dã chiến bơm nước trực tiếp từ sông Đăk Bla lên kênh chính, chống hạn cho 58,6 héc-ta cây trồng. Hồ Đăk Loy, xã Đăk Cấm lắp đặt hai máy bơm dầu, bơm nước từ suối tự nhiên lên, chống hạn cho 15 héc-ta lúa. Hồ Tân Điền, xã Đoàn Kết, từ ngày 4-3, lắp đặt, vận hành trạm bơm chuyền, bơm nước chống hạn cho 60 héc-ta lúa. Đối với những diện tích đất ở quá xa so với nguồn nước, Ban Quản lý đặt máy bơm ở những suối tự nhiên, bơm nước lên rồi dẫn theo đường ống hoặc dùng máy đào để đào kênh rãnh bằng đất, dẫn vào hệ thống kênh chính để phục vụ tưới cho bà con. Nếu không có giải pháp đặt máy bơm kịp thời, nguồn nước trong hồ sẽ bị cạn kiệt. Khi nguồn nước về đầu nguồn không còn thì sẽ xảy ra hạn và mất trắng cho bà con.
Ông Lê Viết Hùng, thôn 4, xã Đăk Cấm, Tp Kon Tum, cho biết: Chưa bao giờ hạn hán như năm nay. Đập không còn đủ nước để cung cấp nước tưới cho bà con phục vụ sản xuất. Nhờ có hai máy bơm, bơm nước vào hồ Đăk Loy nên bà con vẫn có thu hoạch được một phần, không đến nỗi phải bỏ ruộng. Nước giếng thì cạn hết rồi, phải mua nước của tư nhân để dùng trong sinh hoạt.
Nhằm chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, không để rò rỉ lãng phí nước; huy động nguồn lực tại chỗ, vận động nhân dân, huy động dân quân, đoàn viên thanh niên nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để hoàn thành đưa vào sử dụng và chống hạn, nhất là các hồ chứa đang triển khai xây dựng mới, tu sửa nâng cấp theo kế hoạch vốn năm 2020. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đắp bờ giữ nước ở chân ruộng, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Theo dõi, kiểm tra, xác định cụ thể tình hình khô hạn của từng khu vực, chuẩn bị tốt các điều kiện để chống hạn như: máy bơm nước, xăng dầu, đường ống, nguồn nước dự kiến bơm chống hạn…
Thực tế hiện nay thảm phủ thực vật đầu nguồn của các công trình thủy lợi suy giảm vì vậy không giữ được lượng nước ngầm trên lưu vực để cung cấp cho hồ chứa. Người dân canh tác trồng cây công nghiệp dọc theo sườn dốc của suối đầu nguồn, khi có mưa lượng bùn cát đổ về nhiều làm bồi lấp lòng hồ gây khó khăn cho công tác tích trữ, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Đa số các địa phương hiện nay chưa thành lập tổ hợp tác dùng nước nên việc phối hợp các trạm quản lý thủy nông trên địa bàn trong việc điều tiết, phân phối nước tưới chưa được kịp thời. Mặt khác, ý thức của người dân khi lấy nước chưa tốt, như tự ý đắp chặn dòng chảy, đục phá kênh mương làm thất thoát nước, gieo xạ rải rác không tập trung, gây khó khăn cho đơn vị trong công tác vận hành điều tiết phục vụ tưới. Các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã lâu, hiện nay đã bị hư hỏng xuống cấp, hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ... Đó là những nguyên nhân chính làm cho việc tích nước phục vụ sản xuất trong mùa khô đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, diện tích cây trồng và nhu cầu nước tưới của người dân không ngừng tăng trong khi nước cung cấp tại các công trình là có giới hạn làm cho một số công trình xảy ra hạn về cuối vụ. Cụ thể như: Công trình hồ chứa C19, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô có tổng diện tích thiết kế là 74 héc-ta, trong khi đó diện tích phục vụ vụ Đông Xuân 2018-2019 là hơn 190,64 héc-ta, vượt thiết kế 2,57 lần; Công trình Tà Cang, xã Diên Bình có tổng diện tích thiết kế là 17,7 héc-ta, diện tích phục vụ là 50 héc-ta, vượt 2,82 lần... Qua kiểm tra thực tế, hiện nay diện tích trồng cao-su chung quanh lòng hồ công trình và dọc theo tuyến kênh tưới, người dân đang tiếp tục phá cây cao-su để trồng mới cà-phê. Như vậy sẽ phải cần thêm một lượng nước tưới đáng kể để phục vụ sản xuất, trong khi đó với diện tích như hiện nay đã không thể bảo đảm cấp đủ nước sản xuất.
Việc lắp đặt các máy bơm dã chiến để bơm nước từ sông lên kênh chính, phục vụ sản xuất cho người dân, chỉ là biện pháp cấp bách, tạm thời. Về lâu dài, đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum đầu tư xây mới các công trình thủy lợi; lên phương án hạ thấp bể hút và hệ thống kênh rạch hiện có để bảo đảm cột nước cho máy bơm hoạt động ổn định và lâu dài phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.