Hàng nghìn hộ dân bị cô lập
Sau 3 ngày bị lũ 'tấn công', dường như rốn lũ Minh Hóa (Quảng Bình) và Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa chịu rút lui; Quảng Trị đã và đang dần 'hạ nhiệt'. Lũ vây ráp khiến cuộc sống của hàng vạn người dân gặp phải muôn vàn khó khăn, đối diện với nguy cơ thiếu cái ăn, cái mặc, bệnh dịch và sự học của các em học sinh...
Sau 3 ngày bị lũ “tấn công”, dường như rốn lũ Minh Hóa (Quảng Bình) và Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa chịu rút lui; Quảng Trị đã và đang dần “hạ nhiệt”. Lũ vây ráp khiến cuộc sống của hàng vạn người dân gặp phải muôn vàn khó khăn, đối diện với nguy cơ thiếu cái ăn, cái mặc, bệnh dịch và sự học của các em học sinh...
HÀ TĨNH - Thêm 2 người tử vong
15 giờ ngày 5- 9, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm vớt được thi thể 2 nạn nhân xấu số là anh Lê Văn Ninh (1985) và anh Lê Văn Long (1969, cùng trú tại xã Xuân Mỹ, H.Nghi Xuân) tại khu vực Đồng Go, xã Xuân Mỹ. Theo đó, sáng cùng ngày, trên địa bàn H.Nghi Xuân có mưa lớn, nước dâng cao, nhiều đoạn đường bị ngập, nhưng anh Ninh và anh Long cùng một số người dân chèo thuyền ra khu vực Đồng Go để thả lưới bắt cá. Đến gần trưa cùng ngày, chiếc thuyền của anh Ninh và anh Long không may bị lật khiến 2 người bị đuối nước, mất tích.
Việc xả lũ hồ Sông trí khiến QL1A đoạn qua TDP Hưng Thịnh, TX Kỳ Anh bị ngập sâu hơn 1m. Để tránh ách tắc giao thông, lực lượng CSGT CATX Kỳ Anh đã ngăn đường, phân luồng cho các phương tiện lưu thông trên tuyến tránh. Khu vực chợ TX Kỳ Anh cũng ngập khoảng 50cm.
Đến chiều 5- 9, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có 29 xã bị ngập (trong đó: H.Hương Khê có 18 xã, H.Hương Sơn có 6 xã, H.Vũ Quang có 4 xã và H.Can Lộc có 1 xã).
Có mặt tại vùng “tâm lũ” vào sáng ngày 5- 9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng; Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng BCĐ phòng chống thiên tai Trung ương Trần Quang Hoài đã đề nghị các lực lượng Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và các đoàn thể địa phương phải thường xuyên ứng cứu, giúp đỡ bà con về mọi mặt, nhất là tiến hành sơ tán dân trong tình huống cấp thiết.
Cũng trong ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra tiến độ thu hoạch vụ hè thu và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt ở một số địa phương. Tại H.Can Lộc, đoàn đến kiểm tra lúa hè thu tại các xã Khánh Lộc, Phú Lộc và nhà máy sấy của HTX Nông sản An Thịnh (xã Phú Lộc), Bí thư Tỉnh ủy đề nghị H.Can Lộc, các đơn vị lực lượng vũ trang, đoàn thể chỉ đạo, phối hợp cùng nhân dân tập trung thu hoạch diện tích lúa còn lại; phối hợp với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ người dân sấy, hong và tiêu thụ lúa.
Tại H.Lộc Hà, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với lũ lụt ở khu vực nuôi trồng thủy sản xã Hộ Độ. Đồng chí Bí thư yêu cầu chính quyền H.Lộc Hà phải theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để chỉ đạo, hướng dẫn người dân vùng nuôi trồng thủy sản chủ động các phương án bảo vệ tài sản, hạn chế tối thiểu những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
QUẢNG BÌNH- Cán bộ huyện gặp nạn trên sông
Khoảng 8 giờ 30 sáng 5- 9, đoàn công tác của UBND H.Tuyên Hóa gồm: ông Cao Xuân Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện; anh Đoàn Thanh Đạm, Phóng viên Đài Truyền Thanh huyện cùng 3 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện đi nắm tình hình, thăm hỏi bà con vùng lũ ven sông Gianh. Do tuyến đường bị mưa lũ chia cắt, tổ công tác 6 người di chuyển bằng thuyền máy xuất phát từ xã Đức Hóa men theo sông Gianh xuống thăm hỏi tình hình bà con vùng lũ ở các xã như Thạch Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa… Khi vừa tới địa bàn xã Phong Hóa, chiếc thuyền máy di chuyển với tốc độ nhanh thì không may gặp vật cản bất ngờ bị lật khiến cả 6 người trên thuyền rơi xuống sông. Nước lũ dâng cao và cuốn mạnh khiến cả 6 người bị trôi dạt gần 1km. May mắn người dân ven sông đã phát hiện và đưa thuyền ra cứu cả 6 người lên bờ an toàn.
Đến trưa 5- 9, tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa vẫn có mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng của mưa lũ, nước tại các sông ở địa phương này đang lên, nhấn chìm nhiều làng mạc. Tại rốn lũ Tân Hóa- là một xã vùng núi được bao bọc bởi những dãy núi cao 4 bề, lại trũng thấp, nên từ lâu nơi đây đã trở thành nơi chứa nước lũ mỗi khi mưa lớn cùng nước thượng nguồn sông Rào Nam đổ về. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hơn 630 ngôi nhà của xã Tân Hóa đã ngập trong biển nước.
Theo ông Ngô Thanh Đá- chủ tịch UBND xã thì hiện nay mưa vẫn chưa ngớt, nước có khả năng sẽ tiếp tục lên cao. Trong số hơn 630 ngôi nhà của Tân Hóa đang ngập lũ thì có hơn 400 gia đình có nhà phao nên mọi sinh hoạt của người dân hiện tại đều chuyển lên các nhà phao, trụ sở Ủy ban, các trường học trên địa bàn. Theo thống kê, tại H. Minh Hóa đã có gần 1.000 hộ dân bị ngập trong lũ.
Còn tại H.Tuyên Hóa, do mưa lớn cộng thêm nước sông Gianh lên cao đã khiến nhiều làng mạc bị nhấn chìm. Hiện tại đã có hơn 2.100 hộ dân bị cô lập, 1.040 căn nhà bị ngập trong nước, 4 căn nhà bị sạt lở và 1 nhà dân bị sập do mưa lũ. Các xã ven sông Gianh như Châu Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa và Văn Hóa của H.Tuyên Hóa nhiều nơi đã ngập sâu từ 2- 3m. Hiện các xã này đang huy động thuyền bè để đưa người dân đến nơi an toàn. Thời điểm hiện tại, H.Tuyên Hóa đã cho di dời hơn 1.000 hộ dân lên khu vực cao hơn để tránh trú. Sáng nay lực lượng chức năng cũng đã dùng ca-nô tiếp ứng mì tôm, nước uống cho các vùng bị cô lập.
Các địa phương khác của Quảng Bình như Bố Trạch cũng đã có 688 nhà dân bị ngập trong nước từ 0,5 đến 1m. Huyện này cũng đang có kế hoạch sẽ di dời 1.500 hộ dân tại xã Sơn Trạch nếu mưa tiếp tục kéo dài. Tại thị xã Ba Đồn và H. Lệ Thủy cũng đã có hơn 500 nhà dân bị ngập dưới 1m.
Hiện nay lũ trên Sông Gianh đã đạt đỉnh và xuống chậm ở mức trên báo động 3 0,28m, sông Kiên Giang đang dưới BĐ3: 0.14m. Các sông như sông Son, Rào Nan và Nhật Lệ cũng đang lên chậm. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, mưa lũ khiến một cháu bé 2 tuổi tử vong, 1 người phụ nữ mất tích và 3 người bị thương.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, tại nhiều điểm trên QL12A, QL15 và 9B cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá khiến giao thông ách tắc.
QUẢNG TRỊ - Dốc sức khắc phục sau lũ lụt
Sáng 5- 9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng đã đến thăm nhiều trường học bị ngập lụt tại H.Hướng Hóa cũng như người dân bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Tại nhà hộ dân bị gặp nạn chấn thương trong quá trình di chuyển đồ đạc tránh lũ và 2 hộ dân khác có người thân qua đời đúng vào điểm địa bàn TT Lao Bảo bị nước lũ nhấn chìm, Bí thư Tỉnh ủy đã gửi lời sẻ chia, động viên các gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy cũng đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, sự hỗ trợ kịp thời của nhiều lực lượng, đặc biệt lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện trong việc di dời người và tài sản, đồng thời đề nghị các lực lượng trên tiếp tục bám sát địa bàn, hỗ trợ nhân dân, trường học khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ghi nhận tại tuyến Lìa, H.Hướng Hóa, từ sáng sớm ngày 5- 9, ĐBP Thanh và ĐBP Thuận (BĐBP Quảng Trị) đã điều động CBCS về các xã để phối hợp với chính quyền và nhân dân xử lý khối lượng lớn bùn đất bao vây nhiều khúc đường khiến giao thông bị tắc nghẽn cũng như tại những nhà dân bị ngập lũ.
Tại địa bàn H. Đakrông, H.Cam Lộ, lực lượng CA tiếp tục bám địa bàn, dốc sức hỗ trợ nhân dân và các trường học khắc phục hậu quả, sớm ổn định việc dạy và học ở nhiều vùng ngập nặng. Nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân, các lực lượng tiếp tục hỗ trợ nhu yếu phẩm đến người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị, đoàn thể, Mặt trận cũng đã kịp thời đến với bà con vùng lũ.
Cũng trong sáng 5- 9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đã đi kiểm tra tình hình khắc phục mưa lũ tại TX Quảng Trị, H.Triệu Phong và H.Gio Linh. Tại công trình cống An Tiêm - hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, Chủ tịch tỉnh đã biểu dương các cơ quan chức năng đã chủ động chỉ đạo và thực hiện kịp thời vận hành mở cống để giảm và điều tiết lượng nước lũ TX Quảng Trị, vùng ven đôi bờ Thạch Hãn, qua đó đảm bảo an toàn cho kênh chính và kênh N1 của hệ thống thủy lợi trên. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, chính quyền địa phương tại H.Gio Linh cũng như các địa bàn nhanh chóng chỉ đạo và hỗ trợ người dân thu hoạch lúa ngay khi mưa ngớt.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_212143_hang-nghin-ho-dan-bi-co-lap.aspx