Hàng nghìn người bán dâm muốn tiếp cận dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tình hình tệ nạn mại dâm hiện vẫn diễn biến phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô hoạt động.

Lực lượng chức năng truy quét tụ điểm mại dâm đường phố

Lực lượng chức năng truy quét tụ điểm mại dâm đường phố

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trên địa bàn cả nước vẫn tồn tại khoảng 300 tụ điểm, địa bàn có hoạt động mại dâm, ước tính có hơn 9.700 người bán dâm. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn do tính chất phức tạp, tinh vi và trá hình của hoạt động mại dâm.

Tình trạng mại dâm trá hình, biến tướng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là mại dâm trá hình dưới hình thức “hợp đồng” nhận con nuôi, bố nuôi ngày càng phổ biến.

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín khác nhau để trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận thực hiện hành vi mua bán dâm; xuất hiện nhiều đường dây bán dâm có mạng lưới liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài gây khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, tình hình hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm trên các tuyến biên giới, vùng biển có thủ đoạn tinh vi, hình thức tổ chức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các khu vực có hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí và thường có liên quan đến địa bàn ngoại biên tiếp giáp với Việt Nam.

Về phòng, chống tệ nạn mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, thời gian qua, đội liên ngành 178 các địa phương đã kiểm tra 68.411 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 14.093 cơ sở vi phạm.

Xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 4.266 cơ sở; phạt tiền 4.816 cơ sở với số tiền phạt 47 tỷ 515 triệu đồng; 320 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 39 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh; 4.652 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt khác.

Các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, tiêu biểu như: Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Tây Ninh.

Theo báo cáo của ngành công an, các lực lượng chức năng đã thực hiện 2.595 cuộc truy quét tại địa điểm công cộng và 1.673 cuộc triệt phá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 5.553 đối tượng vi phạm (trong đó, 2.158 người bán dâm, 2.093 người mua dâm; và các đối tượng liên quan khác).

Số người bán dâm có nhu cầu, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng 22.532 lượt người. Trong đó có 436 người được hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm; 2.023 người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 04 người được vay vốn; 20.073 người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe và cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm, mua bán người. Phòng ngừa mại dâm thông qua các hoạt động truyền thông và lồng ghép phòng, chống tệ nạn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

Đồng thời xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm, nạn nhân bị buôn bán để đảm bảo theo hướng dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng đích.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-nghin-nguoi-ban-dam-muon-tiep-can-dich-vu-ho-tro-xa-hoi-hoa-nhap-cong-dong-post535737.antd