Hàng nghìn người biểu tình ở Nepal đòi khôi phục chế độ quân chủ

Cảnh sát chống bạo động Nepal đã dùng gậy mây, hơi cay để đẩy lùi hàng nghìn người biểu tình ở Nepal đòi khôi phục chế độ quân chủ.

Ngày 23-11, hàng nghìn người biểu tình ở Nepal đòi bãi bỏ hệ thống cộng hòa và khôi phục chế độ quân chủ ở nước này, theo hãng tin Reuters.

Nhóm biểu tình là những người ủng hộ cựu vương Gyanendra và muốn Nepal quay trở lại quốc gia theo đạo Hindu.

Ông Durga Prasai - một người tham gia biểu tình ở Nepal - nói với Reuters: “Chúng tôi muốn hệ thống cộng hòa bị bãi bỏ và chế độ quân chủ được khôi phục”. Ông cũng nói sẽ tiếp tục vận động biểu tình và kêu gọi đình công tại thủ đô Kathmandu.

Ngoài ra, những người biểu tình còn chỉ trích chính quyền Nepal tham nhũng và không thực hiện những cam kết phát triển, sau khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ vào 15 năm về trước.

 Cảnh sát chống bạo động đụng độ với nhóm người biểu tình ở Nepal đòi khôi phục chế độ quân chủ vào ngày 23-11. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát chống bạo động đụng độ với nhóm người biểu tình ở Nepal đòi khôi phục chế độ quân chủ vào ngày 23-11. Ảnh: REUTERS

Những người biểu tình đã cố gắng gỡ bỏ hàng rào an ninh ở ngoại ô thủ đô Kathmandu và tiến vào trung tâm thành phố.

Tình trạng hỗn loạn do cuộc biểu tình buộc cảnh sát chống bạo động phải can thiệp bằng nhiều biện pháp như dùng gậy mây, hơi cay và vòi rồng. Trước đó, nhà chức trách đã cấm biểu tình ở các khu vực quan trọng của thủ đô Kathmandu.

Ông Jitendra Basnet - quan chức chính quyền thủ đô Kathmandu cho biết: “Cảnh sát chỉ cố gắng ngăn chặn đám đông biểu tình vô tổ chức”.

Ông Basnet cũng cho hay có một số sĩ quan đã bị thương do bị người biểu tình ném đá.

Còn về phía người biểu tình, Reuters đưa tin có khoảng 10 người bị thương, trong đó có 2 người nguy kịch.

Trước đó, vào năm 2006, nhiều cuộc biểu tình đòi quốc vương Gyanendra bãi bỏ chế độ quân chủ và thực hiện chế độ dân chủ. Đến năm 2008, người dân Nepal đã bầu ra quốc hội mới.

Quốc hội mới này bãi bỏ chế độ quân chủ sau 239 năm và tuyên bố Nepal là nước cộng hòa với tổng thống là người đứng đầu nhà nước.

Sau đó, ông Gyanendra sống như công dân bình thường, không có quyền lực hay sự bảo vệ của nhà nước. Tuy nhiên, ông vẫn được nhiều người dân ủng hộ, theo hãng tin AP.

Kể từ khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ ở Nepal, nước này đã trải qua hơn 10 lần thay đổi chính phủ. Chuyện thay đổi chính phủ thường xuyên đã cản trở sự phát triển kinh tế và buộc hàng triệu thanh niên Nepal phải tìm việc làm ở các nước khác, chủ yếu ở Malaysia, Hàn Quốc và Trung Đông.

NGỌC LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-nghin-nguoi-bieu-tinh-o-nepal-doi-khoi-phuc-che-do-quan-chu-post763160.html