Hàng nghìn người dân ven sông, biển ở Quảng Ngãi phập phồng lo sạt lở
Triều cường, mưa lũ đã làm sạt lở hàng trăm vị trí trên các dòng sông, bờ biển qua Quảng Ngãi khiến hàng nghìn người dân lo lắng.
Hơn 250km bờ biển, bờ sông bị “hà bá” ngoạm
Bờ sông La Châu, chảy qua địa phận xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, những năm qua liên tục xảy ra sạt lở làm mất đất sản xuất và uy hiếp trực tiếp nhiều ngôi nhà trong vùng. Trong đó, đoạn đi qua thôn La Châu bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 500m, ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Nguyễn Đình Vinh cho biết, địa phương nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư công trình kè kiên cố để bảo vệ đất đai, nhà cửa và tính mạng người dân, song đến giờ vẫn chưa có hồi âm. Để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho người dân, đầu mùa mưa hằng năm, địa phương lại tổ chức cắm những tấm biển cảnh báo để người dân biết và né tránh.
Sông Trà Khúc chảy qua địa phận xóm 6, thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa. Từ hai năm qua liên tục xảy ra sạt lở khiến người dân lo ngại. Có đoạn, sông Trà Khúc thay đổi dòng chảy nên sạt lở ăn sâu vào đất sản xuất của người dân hơn 10m và kéo dài khoảng 100m.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, những lũy tre được người dân trồng dọc theo bờ sông có tuổi đời hàng chục năm nhằm bảo vệ xóm làng và giữ đất, nhưng giờ đã bị cuốn ra nằm giữa lòng sông. Những khoảnh đất trước đây người dân canh tác hoa màu, giờ chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Vũ Trà, nhà gần điểm sạt lở cho biết, trước đây sông cách làng trên dưới 100m, nhưng mấy năm gần đây mưa lũ bất thường dẫn đến sạt lở ngày càng nặng. Mong chính quyền sớm đưa ra giải pháp xây dựng kè để ngăn chặn sạt lở.
Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) lại đối diện nỗi lo “kép” khi phía trước là triều cường xâm thực, sau lưng là núi sạt lở. Mỗi khi có mưa lớn, đất đá đổ xuống đường và nhà dân, kéo theo hàng loạt cây dương liễu cũng bị cuốn trôi ra biển. Ở khu vực bờ biển, triều cường xâm thực khoét sâu vào đất liền khiến gần 30 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị “nuốt chửng” và ảnh hưởng gián tiếp đến cuộc sống của gần 100 hộ dân.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, toàn tỉnh này có khoảng 250 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 217km (200km bờ sông và trên 17km bờ biển). Mức độ sạt lở bình quân theo chiều ngang từ 5 - 10m, có những nơi từ 25 - 30m. Trong đó, vùng, khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 35km. Đối với khu vực sạt lở nguy hiểm có chiều dài khoảng 81km.
Sớm có giải pháp bảo vệ người dân vùng xung yếu
Từ cuối tháng 9 đến nay, người dân trong tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ luôn nơm nớp lo sợ, nhất là khi mưa to gió lớn, hàng trăm người gần như mất ngủ vì phải thức để… chạy triều cường.
Nguyên đoạn đê bằng bê tông kiên cố sau các đợt mưa lũ đã bị sóng đánh gãy tan tành. Cách đó tầm 100m, hai ngôi nhà của người dân giờ trơ ra phần móng và nữa ngôi nhà nằm chênh vênh bên chân sóng khi 1/2 ngôi nhà đã bị triều cường kéo sập trước đó.
Bà Trần Thị Dung thẫn thờ nhìn ngôi nhà từ chỗ cách biển cả trăm mét giờ chỉ còn cách chân sóng chưa đến 2m. Những cây gỗ, bờ đá, bao đất được đắp kiên cố để giữ đất giờ nằm chênh vênh trên bờ vực và từng ngày rơi xuống bên dưới do mất chân. Những cây xanh như dứa, dừa, dương liễu… trồng giữ đất giờ lộ ra bộ rễ chực chờ đổ ngã.
“Trước biển ở ngoài xa, nhà được bờ cây xanh che chắn, bảo vệ. Tưởng mọi thứ an toàn nào ngờ, chỉ sau hai đợt sóng nhà chỉ cách biển còn đúng một bước chân. Mấy đêm rồi có khi nào dám ngủ trong nhà đâu, tôi phải sang nhà hàng xóm phía bên trong ngủ nhờ, sáng ra thì về nhà ở. Không biết khi nào biển cuốn căn nhà đi nữa. Chỉ mong nhà nước sớm làm kè, hoặc chuyển tôi đến nơi tái định cư chứ sống kiểu này không biết sống làm sao”, bà Dung nói.
Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, địa phương đã đi kiểm tra, tổ chức phương án di dời người dân vùng xung yếu đến nơi an toàn khi có dự báo mưa lớn. Hiện tại khu vực bờ biển qua phường Phổ Thạnh không đảm bảo an toàn vì đoạn bờ biển dài khoảng 700m là những đồi cát và không có chân nên triều cường lớn gây sạt lở rất nặng.
“Để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của người dân, địa phương đã có chủ trương đầu tư công trình kè biển, song kinh phí eo hẹp nên phải chờ nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương”, ông Hiển thông tin.
Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, để bảo vệ người dân vùng xung yếu, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài kè khoảng 43km, kinh phí gần 2.800 tỉ đồng. Hiện các công trình đều phát huy tốt nhiệm vụ phòng, chống sạt lở, ổn định đời sống nhân dân.
“Đối với các khu vực sạt lở mới, đơn vị đã có tổng hợp vào báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) quan tâm trình cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại 40 vị trí, với tổng chiều dài gần 31km, dự kiến mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng (vốn trung ương hơn 1.755 tỷ đồng, vốn địa phương 645 tỷ đồng)”, ông Phương cho hay.