Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế và rước nước... đã được các thầy mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.
Lễ hội Ná Nhèm gắn với các câu chuyện đánh giặc giữ làng và các phong tục, hoạt động văn hóa, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên như: hóa trang để diễn trò đánh trận; lễ rước sinh thực khí nam – nữ (tàng thinh – mặt nguyệt); trò diễn sỹ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục và các môn thể thao truyền thống như: bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, tung còn…
Sau 3 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, lễ hội Ná Nhèm năm nay thu hút gần 4.000 người dân và du khách thập phương tham gia.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng rất đông người dân và du khách vẫn có mặt từ sớm tại đình làng Mỏ, xã Trấn Yên, Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn để đợi đến giờ rước.
Người tham dự Lễ hội bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế để những linh hồn "ma giặc" không biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng.
Rước Long Ngai bài vị của Đức vua từ đình Làng Mỏ ra miếu Xa Vùn.
Lễ hội Ná Nhèm là một sinh hoạt văn hóa độc đáo được các lớp cha ông người Tày - Nùng ở xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đúc kết, lưu truyền đến ngày nay.
Nghi lễ rước sinh thực khí tại Lễ hội Ná Nhèm với mong muốn mùa màng bội thu, sinh sôi nảy nở.
Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng, tổ chức thường niên từ năm 2012 và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2015.
Việc duy trì tổ chức lễ hội Ná Nhèm đã góp phần phát huy, giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa của quê hương, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Duy Thái/VOV-Đông Bắc