Lễ hội truyền thống Bạch Đằng mang ý nghĩa như ngày giỗ trận, là dịp để ôn lại những chiến công oanh liệt của các bậc tiền nhân trên dòng Bạch Đằng giang lịch sử, khơi dậy hào khí, tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở nơi cửa ải đất nước.
Năm nay, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức lễ hội Bạch Đằng ở quy mô cấp tỉnh, nhân kỷ niệm 1083 năm (938- 2021), 1040 năm (981- 2021) và 733 năm (1288- 2021) chiến thắng Bạch Đằng.
Lễ hội được diễn ra trong 4 ngày, từ mùng 6/3 đến mùng 9/3 Âm lịch tại chiến trường xưa, trong đó trung tâm là quần thể di tích đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Yên Giang, bãi cọc Bạch Đằng... Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.
Chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề "Bạch Đằng - Bản anh hùng ca của dân tộc" tái hiện sống động những mốc son trên dòng sông lịch sử, cùng âm vang Hịch tướng sĩ và lời thề Sát Thát vang vọng.
Trên dòng Bạch Đằng giang, năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán. Năm 981, Lê Hoàn chỉ huy quân dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống. Và năm 1288, quân và dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phá tan đạo quân Nguyên Mông xâm lược.
Bản anh hùng ca tạo nên từ sự đồng lòng chung sức vua tôi, quân dân, trong đó có cả những người dân bình thường. Như bà hàng nước bên bờ sông, tương truyền là người đã thưa với Hưng Đạo vương về lịch thủy triều, địa thế dòng sông giúp dựng cọc, bày trận đánh tan 600 chiến thuyền cùng 4 vạn quân giặc.
Nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội là nghi thức rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà về đình Yên Giang.
Từ sáng sớm, người dân Quảng Yên và cả các vùng lân cận đã nhộn nhịp chuẩn bị các mâm lễ vật, rộn ràng tham dự đoàn rước.
Đoàn rước lên đến cả nghìn người kéo dài gần 1km trên tuyến đường 4km dọc bờ sông Bạch Đằng. Đoàn đi tới đâu người dân nhập hội tới đó, đông vui, nhộn nhịp.
Ông Lê Sỹ Ngọc, 70 tuổi, năm nay được chọn đóng vai chủ tướng trong đoàn rước: "Đây là vinh dự lớn lao của tôi và người dân Yên Giang khi được tham gia tổ chức lễ hội Bạch Đằng, tiếp nối truyền thống của cha ông".
Người dân, đặc biệt là trẻ em xếp hàng dài trên đường để chui qua kiệu rước với mong muốn mạnh khỏe và học hành giỏi giang.
Mỗi nhà dân trên tuyến đường đoàn rước đi qua đều sắp sửa lễ vật, vái vọng đón Đức ông, bày tỏ lòng tri ân thành kính. Các trò chơi dân gian kéo co, cờ thẻ cũng diễn ra sôi nổi, phục người dân và du khách.
Đoàn rước có những hình ảnh phong phú tái hiện lại truyền thống của mảnh đất Quảng Yên xưa và nay. Bà Vũ Thị Gái nay đã 85 tuổi nhưng năm nào cũng có mặt trong đoàn rước.
Kiệu rước về đến đình Yên Giang, ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ XVI. Tại đây, các nghi lễ tế yết sẽ diễn ra trước khi tượng được rước trở lại đền Trần Hưng Đạo vào sáng ngày mùng 8/3./.
Trường Giang/VOV-Đông Bắc