Hàng nghìn phương tiện bị cấm vẫn chạy vào tuyến La Sơn - Hòa Liên
Sau 4 tháng đưa vào khai thác, lực lượng chức năng đã ngăn chặn 2.459 xe thuộc diện bị cấm chạy vào tuyến La Sơn - Hòa Liên (địa phận Đà Nẵng).
Sáng 17/8, Cục QLĐB III cho biết, vừa báo cáo Tổng cục ĐBVN về công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (địa phận Đà Nẵng).
Theo lãnh đạo Cục QLĐB III, ngay từ khi tuyến La Sơn - Hòa Liên đưa vào khai thác đến nay, Cục đã chỉ đạo Chi cục QLĐB III.1 và đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên lập các chốt để ngăn chặn các phương tiện không được phép lưu thông trên tuyến cũng như đi qua hầm Mũi Trâu.
Cụ thể, chốt bảo vệ được đặt tại Km 65+500 (chốt Hòa Liên) và 2 chốt phía Nam và phía Bắc hầm Mũi Trâu để ngăn chặn, tuyên truyền cho các phương tiện không được phép lưu thông trên tuyến và đi qua hầm mũi trâu như: mô tô, xe máy, các xe chở gia súc, gia cầm, các xe chở hàng vật liệu dễ cháy nổ…
Các chốt kiểm soát này đã phát hiện, ngăn chặn 2.459 trường hợp phương tiện không được phép vào hầm.
Riêng chốt Hòa Liên phát hiện 1.977 xe máy, 195 xe chở súc vật, xe quá khổ, xe chở hàng cháy nổ. Còn các chốt tại hầm Mũi Trâu phát hiện 333 phương tiện các loại không được phép lưu thông trên tuyến, qua hầm.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục QLĐB III, dù đưa vào vận hành đã lâu nhưng tình trạng các phương tiện bị cấm đi lên tuyến La Sơn - Hòa Liên chưa có dấu hiệu giảm.
"Nhiều xe vẫn cố tình đi lên, đến khi có người trực chốt chặn xe mới quay trở lại, thậm chí còn tranh luận không phải là đường cao tốc nên phải cho dân đi vào như các tuyến đường khác", ông Bình cho biết.
Phó cục trưởng Cục QLĐB III cho biết thêm, hiện nay, tại chốt cuối tuyến (chốt Hòa Liên) được bố trí trực 3 ca/ngày, 2 người/ca vì thời gian đầu nên có rất nhiều phương tiện không được phép nhưng vẫn đi vào. Do đó, cần 1 người điều khiển, tuyên truyền, giải thích, ngăn xe và 1 người chụp ảnh, quay phim, ghi chép diễn biến vào số nhật ký.
Lãnh đạo Cục QLĐB III cho biết, theo dự kiến ban đầu, từ ngày 1/9/2022 việc tuần đường chốt bảo vệ sẽ giảm xuống 1 người/ca, thực hiện 3 ca/ngày khi người tham gia giao thông nắm được thông tin và nâng cao ý thức chấp hành, số trường hợp vi phạm sẽ giảm dần.
Tuy nhiên đến nay tình trạng phương tiện cấm lưu thông vẫn chạy vào tuyến đường La Sơn - Hòa Liên, việc tái tháo dỡ rào chắn... vẫn diễn ra phức tạp, chưa có chiều hướng giảm. Cục vừa có tờ trình kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN duy trì tần suất, số người trên ca trực nhằm triển khai hiệu quả, kịp thời, đảm bảo ATGT...
Bên cạnh đó, theo ông Bình, qua tham khảo các tuyến như hầm đường bộ Hải Vân (đường Nam hầm Hải Vân - Túy Loan) và hầm Núi Eo (cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) vẫn duy trì trực gác tại 2 đầu hầm để ngăn chặn các phương tiện không được phép đi vào hầm. Ngoài ra, còn duy trì 1 chốt trực gác tại đầu tuyến (Km 0+200) cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dù trên cao tốc hiện đang bố trí thu phí kín với 7 trạm trên đường cao tốc và các đường nhánh.
"Vì vậy, việc tổ chức trực chốt tại 2 đầu hầm là rất cần thiết nên cần phải được duy trì. Đối với chốt trực Hòa Liên, khi nào tuyến Hòa Liên - Túy Loan kết nối liên thông với tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (dự kiến triển khai vào quý III/2022) và bố trí các trạm thu phí theo hình thức thu phí kín thì lúc đó sẽ không cần trực chốt tại cuối tuyến", ông Bình cho biết thêm.
Theo Cục QLĐB III, ngoài việc bố trí các chốt kiểm soát, Cục cũng chỉ đạo Thanh tra Chi cục QLĐB III.1 tuần tra, kiểm soát việc người dân dọc tuyến tự ý tháo dỡ hàng rào bảo vệ để băng qua tuyến, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Theo đó, từ khi tuyến đưa vào khai thác đến nay, Chi cục QLĐB III.1 đã phát hiện 50 vụ người dân tự ý tháo dỡ hàng rào bảo vệ tuyến. 17 trường hợp tái phạm tháo dỡ lần 2, 33 trường hợp tái phạm nhiều lần.
Cục QLĐB III kiến nghị Tổng cục ĐBVN bố trí kinh phí cho công tác khôi phục lại hàng rào bảo vệ bị người dân tháo dỡ. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ thêm kinh phí cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công tác kiểm soát tải trọng xe.