Hàng nghìn trẻ đổ bệnh vì nắng nóng gay gắt ở TP.HCM

Mỗi ngày, các bệnh viện nhi ở TP.HCM tiếp nhận hàng nghìn trẻ đến khám bệnh ngoại trú, đa số mắc bệnh hô hấp.

 Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.

Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh minh họa: Liêu Lãm.

Gần 10h sáng 24/3, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tấp nập phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Trong ánh nắng gay gắt buổi sớm, nhiều người vừa dắt tay con, vừa tận dụng sổ khám bệnh của con để che nắng.

Sảnh khoa Khám bệnh đông đúc dưới chiếc bạt che nắng cỡ lớn. Người lớn cầm quạt phe phẩy, tiếng trẻ con khóc hòa lẫn trong cái nóng hầm hập của thời tiết.

Hàng nghìn trẻ khám bệnh mỗi ngày

Ôm con gái nhỏ đang khóc nhè, chị Ngọc (30 tuổi, Bình Thuận) vừa cố gắng dỗ bé, vừa điện thoại đón xe về quê. Vài ngày trước, con gái chị (3 tuổi) bị ho, sốt, sổ mũi kéo dài nhưng dùng thuốc không thuyên giảm.

"Tôi đưa con đến phòng khám tư gần nhà, bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản nhưng dùng thuốc mãi không khỏi. Tôi sốt ruột quá nên đón xe đưa con từ Bình Thuận đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám bệnh", chị Ngọc chia sẻ.

Đại diện khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trong những ngày qua, số lượng trẻ đến khám do các bệnh liên quan thời tiết nắng nóng tại đơn vị này có xu hướng tăng cao hơn.

"Số lượng này bắt đầu tăng từ giữa tháng 3 đến nay và tăng cao đỉnh điểm vào những ngày thời tiết nóng gay gắt. Đa số trẻ đến khám do các vấn đề hô hấp, siêu vi và tiêu hóa", đơn vị này thông tin.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh trong thời tiết nắng nóng trưa 24/3 ở TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ.

Phụ huynh đưa con đi khám bệnh trong thời tiết nắng nóng trưa 24/3 ở TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ.

Trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 4.000 trường hợp trẻ đến khám. Số trẻ đến khám do bệnh lý hô hấp chiếm 1/2, trẻ gặp các vấn đề tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm chiếm khoảng gần 1/3.

Riêng tại khoa Hô hấp 1 của bệnh viện này, bác sĩ Đoàn Thị Thanh Hồng cho biết những ngày qua, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp đến khám tại bệnh viện tăng lên 20%, đa số bệnh lý có liên quan thời tiết nắng nóng như viêm phổi, hen suyễn, viêm dạ dày ruột...

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết những ngày qua, trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 3.900-4.000 trẻ đến khám bệnh.

Đáng chú ý, ngày cao điểm (thường mỗi thứ hai hàng tuần và ngày tiết trời oi bức), trẻ lượng này tăng lên đến 4.500-4.900 trẻ/ngày. Trong đó, tỷ lệ nhập viện/số trẻ đến khám bệnh dao động từ 5,4 đến 5,8%.

"Trong những ngày nắng nóng vừa qua, số trẻ mắc bệnh hô hấp như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên... và tiêu hóa chiếm chủ yếu. Ngoài ra, khoa Khám bệnh cũng bắt đầu ghi nhận một số trẻ mắc sốt xuất huyết", bác sĩ Phương chia sẻ với Zing.

Thời tiết oi bức khiến trẻ dễ mắc bệnh

Bác sĩ Ngô Thụy Minh Nhi, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, phân tích nắng mưa thất thường cùng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại virus, siêu vi, vi nấm phát triển nhân đôi và lan rộng.

"Ở độ tuổi đến trường, trẻ em rất dễ mắc các bệnh về hô hấp và tiêu hóa do các loại vi nấm, siêu vi hô hấp... dễ lây lan, đặc biệt trong môi trường lớp học, khu vui chơi", bác sĩ Nhi nói.

 Phụ huynh trang bị thêm quạt tay cho trẻ vì thời tiết oi bức. Ảnh: Bích Huệ.

Phụ huynh trang bị thêm quạt tay cho trẻ vì thời tiết oi bức. Ảnh: Bích Huệ.

Thời tiết nắng nóng, cơ thể bé dễ bị thiếu nước và rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, sức đề kháng giảm. Dưới tác động của nắng nóng và tia UV, vi khuẩn vi rút phát triển nhanh, trẻ dễ mắc bệnh. Do đó, phụ huynh cần lưu ý bổ sung nhiều nước, dưỡng đầy đủ, vệ sinh cá nhân cho bé.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, từ 10h đến 14h, phụ huynh cần tránh đưa trẻ ra ngoài nắng, nên cho bé uống nhiều nước, bổ sung điện giải để tránh suy kiệt và bị bệnh. Ngoài ra, trẻ cần được tăng cường các loại nước trái cây, rau củ, bổ sung vitamin cho trẻ, bảo quản thực phẩm cẩn thận, tránh bị ôi thiu.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), với tình trạng Trái Đất nóng dần lên, số lượng, cường độ của các đợt nắng nóng cũng gia tăng, kéo dài, trở nên khắc nghiệt hơn. Điều này không những gây cảm giác khó chịu mà còn khiến chúng ta dễ mắc bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 24/3, khu vực Nam Bộ có chỉ số cực đại bức xạ tia cực tím là 10. Đây là mức có chỉ số gây hại rất cao.

Dự báo trong 3 ngày tới, TP.HCM tiếp tục duy trì nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Nhiệt độ cao nhất khoảng 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm thấp nhất 40-55%.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-nghin-tre-do-benh-vi-nang-nong-gay-gat-o-tphcm-post1424843.html