Hàng nghìn trẻ em ở Huế bị đau mắt đỏ, bác sĩ khuyến cáo 'nóng'
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 16.556 ca đau mắt đỏ, trong đó có 11.437 ca dưới độ tuổi 18.
Chiều 23/9, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã có công văn gửi Sở GD&ĐT và các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 16.556 ca đau mắt đỏ, trong đó có 11.437 ca dưới độ tuổi 18. Người bệnh đến khám chữa bệnh tại các Bệnh viện công lập chiếm phần lớn như Trung tâm y tế (TTYT) huyện Phong Điền 1.657 ca; TTYT Hương Trà 1.195 ca; TTYT TP Huế 6.490 ca; TTYT Phú Lộc 3.500 ca…
Tại Khoa Khám bệnh và Trung tâm Mắt Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế, trong những ngày qua, số người bệnh đến thăm khám có dấu hiệu đau mắt đỏ tăng cao. Lúc cao điểm, ghi nhận trung bình mỗi ngày có 60 đến 70 bệnh nhân đến khám. Trong đó chủ yếu là các em học sinh ở cấp tiểu học và mầm non.
BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tại Bệnh viện tăng cao. Trong một tháng gần đây bệnh viện khám và điều trị hơn 400 trường hợp. Hiện nay chưa ghi nhận ca trở nặng nhưng cũng có những ca có để lại di chứng trên giác mạc - viêm giác mạc chấm nông khiến cho mắt nhìn bị mờ, ảnh hưởng thị lực.
“Các trường hợp bệnh nặng cần phải được khám và theo dõi sát để tránh giảm thị lực về sau. Để phòng ngừa lây lan bệnh này, cần sát khuẩn, tránh sử dụng tay đưa lên mắt. Đặc biệt tại các trường học, khi phát hiện ca nghi ngờ cần cho các em tạm không đến trường để tránh lây lan ra cộng đồng”, BS Phạm Như Vĩnh Tuyên chia sẻ.
Hiện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh chỉ đạo, phối hợp, thực hiện tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học.
Cần thông báo ngay cho Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên để tránh dịch bệnh lây lan.