Hạng Nhất dễ đoán, V.League khó lường
Hạng Nhất: Tam mã định hình sớmChỉ sau 3 vòng đấu, những cuộc đua thăng hạng ở hạng Nhất 2024/25 đã sớm định hình khi Phù Đồng Ninh Bình, PVF-CAND và Trường Tươi Bình Phước bứt lên.
Đây không phải là vị trí tạm thời, bởi soi vào thực lực, 3 cái tên này đủ lực để duy trì vị trí trong nhóm đầu bảng, bởi chưa thấy một “kẻ phá bĩnh” nào ngang tầm.
Phù Đổng Ninh Bình (9 điểm) đang nắm lợi thế với 3 trận toàn thắng, hơn 2 đội xếp sau PVF-CAND và Trường Tươi Bình Phước 2 điểm. Đây cũng là kết quả hợp lý và có thể duy trì đến lúc 3 cái tên này đối đầu nhau.
Với lực lượng mà nhiều CLB V.League 1 phát thèm, tuy thi đấu chưa thực sự bùng nổ, nhưng Phù Đổng Ninh Bình hứa hẹn không sớm thì muộn sẽ sử dụng hiệu quả kinh nghiệm lẫn tài năng của Văn Lâm, Hoàng Đức, Đỗ Thanh Thịnh, Quốc Việt, Thanh Bình… để trở thành ứng viên nặng ký nhất cho chiếc vé thăng hạng chính thức.
V.League 1: Trò tung hứng!
Cho đến vòng 7, các cái tên được quy hoạch cho ngôi vô địch cứ như trêu ngươi, trận hay trận dở. Chính thế, ngôi đầu khi thì xuất hiện cái tên “lạ”, khi thì liên tục hoán đổi.
Được kỳ vọng nhiều nhất, nhưng đương kim vô địch T. Nam Định gây thất vọng với nhiều trận thua H. Hà Tĩnh, hòa HAGL và thua thảm đối thủ cạnh tranh lớn nhất Công an Hà Nội. Có thể hiểu thầy trò HLV Vũ Hồng Việt phải phân thân nhiều mặt trận, nhưng rõ ràng đội bóng thành Nam đã chiêu mộ thêm 3 ngoại binh để “chia lửa” ở AFC Champions League Two cơ mà. Câu chuyện của T. Nam Định ở mùa giải cũ được gợi lại, đó là kết quả thi đấu phụ thuộc nhiều vào phong độ của Rafaelson, giờ có tên Việt là Nguyễn Xuân Son và Hendrio. Mùa này, sau khi nhập tịch, Son bỗng dưng mất “son” và gặp chấn thương trong khi Hendrio kém hiệu quả hơn khi mất đối tác quen thuộc này. Trận thắng CLB TPHCM 3-0 mới nhất cũng chưa thể kết luận rằng T. Nam Định đã lấy lại phong độ “hủy diệt”. Ngay cả vị trí thứ 2 sau 7 vòng cũng được cho rằng nhờ vào các đối thủ cạnh tranh hụt hơi. Một trong số đó là Công an Hà Nội.
Cựu vương Công an Hà Nội cũng khiến CĐV của mình không an tâm, dù sở hữu binh hùng tướng mạnh. Chỉ thắng và hòa ứng viên như B. Bình Dương, T. Nam Định và Hà Nội FC, nhưng đội bóng của HLV Polking lại để thua hoặc mất điểm trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn như HAGL và Hải Phòng. Đây được xem là “nghịch lý” khó hiểu, và khiến giới chuyên môn bất ngờ nhất. Nói đúng hơn, các học trò HLV Polking thường gặp khó khi đối thủ đổ bê-tông mác cao. Nếu không sớm giải quyết bài toán này, Công an Hà Nội sẽ làm cho cuộc đua ở đầu bảng như trò tung hứng, bởi vô tình thành “đội phá bĩnh” hơn là ứng viên vô địch.
Đâu là hiện tượng?
Trong bối cảnh 2 ứng viên hàng đầu có kết quả thất thường, Đ. Thanh Hóa, Thể Công Viettel bỗng rộng đường chiếm lĩnh vị trí tốt, đặc biệt là đội quân của HLV Popov. Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc đua ngắn hạn, đơn cử như ở Cúp Quốc gia, đội bóng xứ Thanh thường “hạp”. Ở V.League 1, Đ. Thanh Hóa đang sở hữu thành tích rất khác với chính họ. Ngoài vị trí dẫn đầu và hơn đương kim vô địch T. Nam Định 1 điểm, Đ. Thanh Hóa (14 điểm) còn sở hữu số bàn thắng nhiều nhất (12 bàn) sau 7 vòng đấu, chỉ để thủng lưới 6 bàn, chỉ kém H. Hà Tĩnh, Công an Hà Nội (cùng 4 bàn) và Thể Công Viettel (5 bàn).
Là hiện tượng và đang rất “ổn” cả công lẫn thủ, tuy nhiên nếu như “bổn cũ diễn lại”, trong cuộc đua dài hạn, đội bóng của Thái Sơnsẽ không đủ nhiều sâu lực lượng để duy trì kết quả tốt đến giai đoạn gần về cuối. Nếu giải quyết được khó khăn “lưu cửu” này ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa, Đ. Thanh Hóa sẽ là ứng viên thực thụ.Ở Thể Công Viettel và B. Bình Dương cũng gặp vấn đề tương tự, khác ở chỗ là bổ sung những mũi nhọn ngoại binh đủ sắc bén để chia sẻ nhiệm vụ ghi bàn với Khuất Văn Khang, Nhâm Mạnh Dũng, Bùi Vỹ Hào và Tiến Linh, và cả những bất trắc có thể đến.
Đáng tiếc phải đưa HAGL và H. Hà Tĩnh ra khỏi nhóm ứng viên, nhưng rõ ràng cả hai chưa hội tụ các yếu tố cần và đủ để xưng vương với đội hình đang có.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hang-nhat-de-doan-vleague-kho-luong-post304326.html