Hàng nông sản Australia đối mặt nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc
Các nhà xuất khẩu thịt bò Australia vừa được cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ tạm thời ngừng nhập khẩu thịt có nguồn gốc từ Australia và New Zealand, do lo ngại dịch lở mồm, long móng trên gia súc.
Tờ Australian Financial Review (AFR) ngày 16/8 cho biết nhiều nhà xuất khẩu thịt của Australia đã nhận được thông tin rằng giới truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này sẽ ra lệnh dừng nhập khẩu thịt sống, các sản phẩm chế biến từ thịt và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của một số quốc gia, trong đó có Australia.
Động thái này được cho là sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, có khả năng “thổi bay” hàng chục tỷ đô la doanh thu xuất khẩu.
Tuy nhiên, vào cuối giờ chiều ngày 15/8, nguồn tin từ ngành công nghiệp và truyền thông Trung Quốc đính chính đó chỉ là các tin đồn “thất thiệt”. Hiện chưa có trường hợp vật nuôi nào tại Australia và New Zealand ghi nhận bị nhiễm bệnh lở mồm, long móng, do đó việc áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dựa trên lý do này là không có cơ sở.
Chính phủ Australia đã ngay lập tức lên tiếng trấn an các nhà xuất khẩu và cho biết các tin đồn đang được xử lý nghiêm túc.
Giới chức “xứ Chuột túi” khẳng định sau khi nhận được thông báo, họ đã tích cực triển khai điều tra, bao gồm cả việc liên hệ với Đại sứ quán Australia tại Bắc Kinh để kiểm chứng. Cùng với đó, Chính phủ New Zealand cũng thông báo đang khẩn trương tiến hành điều tra vụ việc.
Vụ việc bắt đầu vào sáng sớm 15/8, khi các nhà xuất khẩu của Australia và New Zealand bị “đánh thức” bởi một thông tin xuất hiện trên trang mạng của ngành công nghiệp thịt bò Trung Quốc, Báo cáo Nhập khẩu Thịt Thế giới, cho biết Trung Quốc sẽ đình chỉ ngay lập tức việc thông quan và giải phóng hàng hóa đối với tất cả các mặt hàng nông sản của Australia và New Zealand. Tính đến cuối buổi chiều cùng ngày, thông tin này thu hút hơn 30.000 lượt xem.
Một giám đốc điều hành công ty nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc, có trụ sở tại nước này, cho biết: “Các cuộc gọi từ những khách hàng lo lắng bắt đầu đổ về từ lúc 6 giờ sáng”.
Tuy nhiên, các trang tin công nghiệp khác của Trung Quốc sau đó đã đính chính rằng tin tức ngừng nhập khẩu trên diện rộng là không chính xác và lệnh cấm chỉ được áp dụng đối với thịt bò có xuất xứ từ Australia và New Zealand.
Trang tin tức China’s Diary Online thông báo: “Chỉ có thịt bò Australia bị đình chỉ nhập khẩu, do dịch bệnh lở mồm long móng, còn những sản phẩm khác không bị ảnh hưởng”.
Các báo cáo ban đầu làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang “leo thang” các biện pháp trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Australia, vì căng thẳng ngoại giao. Nhưng các thương nhân và giám đốc điều hành tại một số công ty nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc chia sẻ họ không lo liệu lệnh cấm xuất phát từ động cơ chính trị hay do phản ứng thái quá của Trung Quốc đối với dịch lở mồm, long móng.
Hội đồng Công nghiệp Thịt Australia chưa trả lời các yêu cầu bình luận của truyền thông sở tại. Một số nguồn tin cho biết ngành công nghiệp thịt bò Australia lo ngại rằng đây là thông tin chính xác, nhưng họ hiện chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc các chuyến hàng xuất khẩu vào Trung Quốc bị chặn lại.
Nhiều giám đốc điều hành làm việc cho các công ty nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đã nói với phóng viên của tờ AFR rằng thông tin này rất đáng lo ngại và Trung Quốc có thể sẽ tăng mức thuế quan hiện có, đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia.
Vào năm 2020, một số cơ sở giết mổ gia súc lớn nhất của Australia đã bị Trung Quốc đưa vào danh sách cấm và Trung Quốc cũng áp dụng lệnh cấm lâu dài đối với các mặt hàng, như lúa mạch, rượu vang, hải sản và các sản phẩm lâm nghiệp, của Australia.
Tony Seabrook, Chủ tịch Hiệp hội các Trang trại gia súc và Người nông dân bang Tây Australia, cho biết nếu Trung Quốc chính thức cấm thịt bò của Australia thì đây sẽ là dấu mốc, thể hiện một mức thấp mới, trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Seabrook phàn nàn Trung Quốc dường như có ý định “trừng phạt” kinh tế Australia mạnh mẽ hơn. Ông nói: “Họ muốn gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng tôi nhiều hơn những gì mà họ đã thực hiện trong hai năm vừa qua”.
Các nguồn tin cấp cao trong hai ngành xuất khẩu nông sản lớn nhất Australia, là ngũ cốc và thịt, cho biết họ đã nắm bắt được thông tin về lệnh cấm, nhưng không thể xác minh liệu thông tin này là đúng hay không. Không có bất kỳ thương gia nào nhận được thông tin chính thức từ Chính phủ Trung Quốc.
Roger Fletcher, nhà xuất khẩu thịt cừu lớn nhất của Australia sang Trung Quốc và đồng thời là một trong các nhà buôn bán len lớn của thị trường châu Á, cho biết bất kỳ lệnh cấm nào được ban hành thì ngành công nghiệp địa phương của Australia cũng đều bị tác động lên tới hàng tỷ đô la.
Ông Fletcher đã nghe thấy những tin đồn tương tự, lan truyền trong các ngành công nghiệp khác, nhưng không có thông tin chính thức nào từ mạng lưới quan hệ của ông ở Trung Quốc. Ông nói: “Không có gì được xác nhận hết và đó mới thực sự là vấn đề ‘đau đầu’. Chính phủ sẽ không thể can thiệp hay có bất cứ hành động nào. Tất cả đơn giản chỉ là lời truyền miệng”.
* Ngành nông nghiệp sẽ gặp nguy nếu xuất hiện dịch lở mồm, long móng
Các nhà sản xuất chăn nuôi của Australia đang phải đối mặt với mối đe dọa sẽ bị thiệt hại lên đến 80 tỷ AUD (56 tỷ USD), nếu dịch lở mồm, long móng xuất hiện tại quốc gia lớn nhất châu Đại dương. Việc buôn bán gia súc sống cho khách hàng lớn là Indonesia đang gặp bế tắc, khi nước này đang cố gắng vật lộn để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh.
Chính phủ Australia dự báo giá trị xuất khẩu nông sản quốc gia trong năm 2022 - 2023 sẽ đạt mức kỷ lục 64,9 tỷ AUD (46,73 tỷ USD), bất chấp các lệnh cấm của Trung Quốc đã có hiệu lực.
Năm ngoái, Australia xuất khẩu 148.000 tấn thịt bò sang Trung Quốc, ít hơn 24% so với năm 2020. Con số này chiếm 1/5 tổng lượng thịt bò xuất khẩu của Australia và trị giá 1,45 tỷ USD (1,05 tỷ USD) trong thương mại song phương, ngay cả khi Trung Quốc duy trì lệnh cấm đối với 9 cơ sở chế biến thịt của Australia.
Đến nay 9 cơ sở sản xuất thịt của Australia vẫn nằm trong danh sách cấm của Trung Quốc. Một số cơ sở đã bị Trung Quốc đình chỉ công nhận cách đây hai năm, với những lý do liên quan đến nhãn mác, mà ngành công nghiệp Australia cho là nhỏ nhặt. Các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố rằng họ tìm thấy dư lượng hóa chất bị cấm trong một miếng thịt bò đã được sử dụng, để biện minh cho ít nhất một lệnh cấm.
Nếu xuất hiện thêm bất kỳ một lệnh cấm nào nữa đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia, thì đây sẽ là “vết cắt” đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa hai nước và làm lung lay mọi hy vọng còn lại của Chính phủ Australia về việc thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Australia, Tiếu Thiên, cho biết Bắc Kinh muốn hàn gắn quan hệ với Canberra, nhưng không đưa ra dấu hiệu khi nào các lệnh cấm hiện tại đối với hàng xuất khẩu của Australia có thể được dỡ bỏ.
Nhu cầu nhập khẩu lúa mỳ của Trung Quốc được cho là sẽ tăng lên từ mức vốn đã cao, trong khi Australia đang trên đà đón nhận vụ mùa bội thu thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, do cuộc xung đột Nga và Ukraine dẫn đến xuất khẩu ngũ cốc từ khu vực Biển Đen bị hạn chế, Trung Quốc đã đồng ý cho phép nhập khẩu lúa mỳ và lúa mạch từ tất cả các khu vực của Nga và dự kiến sẽ mua một lượng lớn lúa mỳ của nước này./.