Hàng quán bán rượu phải có giấy phép

Người dân muốn nấu hay bán rượu thủ công sẽ phải làm thủ tục đăng kí kinh doanh, đăng ký và thông báo chính quyền; việc bán rượu tại các quán cơm, quán nước cũng cần phải có giấy phép… là những giải pháp được đề xuất nhằm ngăn ngừa tình trạng ngộ độc, tử vong do rượu chứa methanol.

Nhiều ý kiến đề xuất kể cả quán cơm bình dân nếu bán rượu cũng phải có giấy phép. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhiều ý kiến đề xuất kể cả quán cơm bình dân nếu bán rượu cũng phải có giấy phép. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đây là những ý kiến đề xuất được đưa ra tại tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và Giải pháp” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 23/3.

Nguy cơ chết từ từ

Phát biểu tại tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay đã có 15 người tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong có có nhiều vụ ngộ độc tập thể như vụ xảy ra ở Phong Thổ, Lai Châu, vụ ở Cầu Giấy, Hà Nội. Nguyên nhân của những vụ ngộ độc này được xác định là do các nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong.

“Việc điều trị đối với những ca ngộ độc rượu có chứa methanol rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc. Nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mất đi những lao động chính và phải chi phí tốn kém để điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bị ngộ độc”, ông Việt cho biết.

“Loại rượu có chứa methanol này khi uống với hàm lượng rất nhỏ thì nó tự đào thải. Chỉ khi uống nhiều, bị nhiễm độc cấp tính thì mới có thể phát hiện. Đến nay chúng ta mới chỉ nhìn thấy một lượng người ngộ độc cụ thể, nhưng chưa nhìn thấy hàng triệu người bị ngộ độc mãn tính từ từ, ảnh hưởng sức khỏe rất lớn do uống rượu có chứa methanol. Ước tính có thể có hàng triệu người bị nhiễm độc mãn tính. Cần quản lý chặt chẽ nơi sản xuất và buôn bán rượu”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay.

Buôn bán rượu thủ công sẽ phải đăng kí?

Khẳng định vai trò quản lý sản phẩm rượu bia lưu hành trên thị trường là thuộc về Bộ Công Thương, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết cho biết, theo quy định rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Nếu sản xuất và phân phối, phải được cấp giấy chứng nhận của Bộ Y tế. Các hành vi vi phạm chính hiện nay là sản xuất kinh doanh mà không có giấy phép và phân phối rượu ra thị trường mà không đạt tiêu chuẩn.

Giải thích việc các thông tư, nghị định được ban hành đầy đủ nhưng tại sao vẫn tồn tại nấu rượu phổ thông, ông Cường cho biết, trong quá trình khảo sát, nhiều địa phương chỉ bán rượu với giá 12.000-15.000 đồng/lít. “Một kg gạo giá 12.000 đồng. Một kg gạo nấu giỏi được 0,9-1 lít. Nếu cộng tiền than, củi, công xá mà 1 lít rượu bán ra cũng chỉ 12.000-15.000 đồng, vậy lãi ở đâu ra? Nếu không có pha chế thì không có mức giá như trên”, ông Cường cho biết.

Nhiều ý kiến tham gia tọa đàm cho rằng, việc rượu giả, rượu lậu ngang nhiên tồn tại trên thị trường cũng một phần là do vai trò quá yếu của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương ra tay quyết liệt thì hộ kinh doanh rượu sẽ không dám làm rượu pha cồn công nghiệp, rượu giả. Các ý kiến cũng cho rằng, có thể tới đây, tất cả cửa hàng cơm, quán nước, muốn bán rượu phải có giấy phép.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) ông Phan Chí Dũng cho biết ở các nước châu Âu, sản xuất bán buôn rượu không cần giấy phép. Nhưng bán lẻ rượu thì bắt buộc phải có giấy phép. Ở ta thì ngược lại. Vì vậy, theo ông Dũng, cần phải được sửa theo hướng tất cả cửa hàng cơm, quán nước muốn bán rượu phải có giấy phép. Để không gây khó cho đơn vị, người kinh doanh, thủ tục cấp phép cần hết sức đơn giản. “Tất cả các nơi bán rượu, dưới mọi hình thức, đều phải xin giấy phép”, ông Phan Chí Dũng đề xuất và cho rằng cùng đó người làm cồn công nghiệp cần phải pha màu vào để người ta biết đó là cồn công nghiệp, không được pha, uống. “Rượu tự nấu, mua về pha chế ngay trong nhà uống với nhau thì khó quản lý. Đó là vấn đề khó, sửa sắp tới bàn mãi nhưng chưa biết quản lý kiểu gì, không thể yêu cầu người nấu rượu phải có giấy phép”, ông Dũng cho biết thêm.

Dẫn nhiều trường hợp rượu giả bị cơ quan chức năng bắt giữ thời gian gần đây, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, thực tế kiểm tra rượu ở Hà Nội thời gian qua cho thấy, rượu giả chủ yếu từ các địa phương đưa về. Để chống rượu giả, rượu kém chất lượng, vai trò cơ quan quản lý cấp xã, phường rất quan trọng.

“Văn bản quy định, chế tài xử lý có đầy đủ, thậm chí trong Bộ luật Hình sự cũng có nhưng vấn đề là quản lý. Chính quyền địa phương xã có lợi ích trong việc này, kiểm soát để thu tiền, lấy tiền. Cần kiểm tra đồng loạt nguồn gốc rượu giả ở các địa phương. Nếu chỉ kiểm tra ở các thành phố lớn thì không xử lý được”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết.

“Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng đến nay chưa ai chỉ rõ cơ quan quản lý nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thực trạng ngộ độc nhiều như thời gian qua và tại sao không xử lý được? Chưa kể việc phối hợp giữa các bộ ngành đã thực sự hiệu quả chưa?”.

Ông Trần Hùng, Phó Trưởng ban 389 quốc gia

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/hang-quan-ban-ruou-phai-co-giay-phep-1133385.tpo